Không “cào bằng” biên chế theo đơn vị hành chính

Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương về việc tăng cán bộ chuyên trách đối với những địa bàn có đông dân số nhằm hoàn thiện bộ máy hành chính để phục vụ người dân tốt hơn.

Hiện, quận Bình Tân có hơn 800.000 người với 10 phường; quận Bình Thạnh có hơn 478.000 người dân với 20 phường. Quy mô dân số khác nhau, khối lượng công việc cũng chênh lệch lớn, nhưng số cán bộ chuyên trách lại bằng nhau.

Xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có dân số 167.000 người, bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, số biên chế cán bộ, công chức xã chỉ là 36 (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách). Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn có 1.489 biên chế công chức, gấp hơn 41 lần; quận Phú Nhuận có 436 cán bộ cho 13 phường, gấp 12 lần.

Nếu tính cụ thể theo biên chế, trung bình mỗi cán bộ, công chức cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 850 người dân. Riêng xã Vĩnh Lộc A, mỗi cán bộ phải phục vụ tới 4.569 người dân trong khi chế độ thu nhập và phụ cấp lại như nhau, tạo ra sự bất bình đẳng giữa những cán bộ làm cùng một công việc, gây quá tải cho bộ máy hành chính…

Bất cập, nghịch lý, quá tải công việc… là những cụm từ thường được phản ánh từ những địa phương có đông dân số nêu trên. Đây đang là điểm nghẽn thể hiện rõ khi “cào bằng” phân bổ cán bộ theo đơn vị hành chính. Tính bình quân, mỗi cán bộ, công chức tại những địa phương có đông dân, quá trình đô thị hóa nhanh như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, mỗi ngày phải làm việc 10 giờ với mức lương 6 triệu đồng/tháng…

Trong các kiến nghị mà Thành phố Hồ Chí Minh gửi Trung ương, thành phố không xin thêm cán bộ, công chức mà chỉ đề xuất Trung ương cho phép căn cứ vào tình hình, nhu cầu thực tiễn và ngân sách thành phố để HĐND thành phố quyết định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ngoài số lượng quy định.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh cần cơ chế sắp xếp cán bộ, công chức có sẵn phù hợp quy mô dân số. Việc này sẽ cân đối được số người phục vụ dân theo từng xã, phường, thị trấn mà không ảnh hưởng định mức biên chế hiện có.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định, chế độ cho cán bộ nên được tính theo năng lực và công việc đảm nhận nhằm bảo đảm công bằng. Giải pháp tốt nhất để bộ máy hành chính ở những địa bàn đông dân đáp ứng được nhu cầu của người dân, giữ chân được cán bộ, công chức là cơ chế phân bổ theo số lượng dân cư chứ không theo đơn vị hành chính.

Giải pháp này được đánh giá là khả thi hơn việc chia tách quận, phường như đề xuất trước đó của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.