Khơi dậy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

NDO - Với phương châm khơi dậy ý chí tự lực gắn với cách thức hỗ trợ, hướng dẫn hiệu quả và “nông dân dạy nông dân làm giàu”, thời gian qua, tỉnh miền núi Bắc Kạn đã có những tiến bộ trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Những mô hình hay, liên kết bền vững đã giúp tỷ lệ thoát nghèo, từng bước nhân rộng ra ở vùng sâu, vùng xa.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng hồng không hạt của anh Vi Hoàng Sơn, thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn là một điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. (Ảnh: NGỌC TÚ)
Mô hình trồng hồng không hạt của anh Vi Hoàng Sơn, thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn là một điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. (Ảnh: NGỌC TÚ)

Trước đây, nói tới vùng cao Bắc Kạn là nói về những cách thức sản xuất manh mún, ruộng một vụ và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng giờ đây, tại tỉnh miền núi này ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tự lực, tìm tòi vươn lên.

Năm 2012, anh Quản Trọng Quỳnh, thôn Đon Liên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đã quyết tâm thực hiện mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp, một bước đi táo bạo ở xã vùng xa này. Anh Quỳnh chuyển toàn bộ 0,7ha đất nông nghiệp sang ươm cây lâm nghiệp, như: quế, mỡ, bồ đề, keo… Vườn ươm ra đời đúng thời điểm phong trào trồng rừng phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, ngoài cung ứng cây giống và trồng rừng, anh Quỳnh còn mua thêm rừng sản xuất để chăm sóc, khai thác và trồng lại sau khai thác. Nhờ vậy, đến nay, anh Quỳnh đã có trong tay 40ha rừng. Vườn ươm cây của anh mỗi vụ trồng rừng cung ứng từ 500.000 đến 700.000 cây giống. Tổng thu nhập từ mô hình tổng hợp này mỗi năm mang lại hơn 1,1 tỷ đồng sau trừ chi phí.

Anh Quỳnh chia sẻ, với mô hình này anh đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 100 lượt lao động địa phương. Anh còn hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho 50 lao động địa phương. Đồng thời, anh còn cung ứng cây giống, trâu giống, giúp đỡ cho 13 lượt hội viên nông dân gặp khó khăn về vốn, tư liệu, kinh nghiệm sản xuất.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bắc Kạn luôn xác định triển khai phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là trọng tâm trong hoạt động của Hội. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Đồn Lâm Hoàng Huy cho biết, để thực hiện hiệu quả phong trào, Hội tập trung đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn ưu đãi. Hội đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về vai trò của khoa học công nghệ đối với sản xuất. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào thì hoạt động của Hội nông dân luôn hướng về cơ sở. Trong đó, trọng tâm là thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ.

Khơi dậy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ảnh 1

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Toàn Dân, huyện Chợ Đồn

Để thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, trong những năm qua, Bắc Kạn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trong đó, trọng điểm là ưu tiên nguồn lực cho xây dựng, phát triển các hợp tác xã nông, lâm nghiệp thành trung tâm chuỗi liên kết sản xuất. Cách thức này đã mang lại hiệu quả, giúp nông dân yên tâm sản xuất và sản xuất bài bản.

Tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, mô hình liên kết sản xuất với nông dân đang mang lại hiệu quả bền vững. Được hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách, Hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền máy móc chế biến được 18 sản phẩm từ củ nghệ, như: nghệ thái lát, tinh bột nghệ… Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 22 thành viên và việc làm thời vụ cho 72 thành viên.

Tuy nhiên, bền vững nhất là việc Hợp tác xã đã xây dựng và củng cố được chuỗi sản xuất liên kết. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Hồng Minh, đơn vị đang liên kết sản xuất với 428 hộ dân. Các hộ dân trồng 130ha nghệ hữu cơ theo quy trình hướng dẫn của Hợp tác xã, được bao tiêu sản phẩm. Nông dân được ứng giống để trồng. Bã nghệ sau xử lý được chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh để người dân chăm sóc nghệ. Hợp tác xã có 20 đại lý trong nước và đã ký kết hợp đồng cung cấp 250 tấn nghệ sấy lát; 150 tấn bột nghệ cho công ty xuất nhập khẩu và 70 tấn tinh bột nghệ cho các công ty dược phẩm.

Có thể nói, công tác tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức kinh tế tập thể và hỗ trợ tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh cho nông dân ở Bắc Kạn đang có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn, so với năm 2013, hiện tại, thu nhập của các thành viên hợp tác xã và của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã tăng gấp đôi.

Toàn tỉnh Bắc Kạn có trên 1.116 hộ doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm; trên 2.200 nông dân giỏi thành lập trang trại, nhiều hộ đạt trên 20 tỷ đồng/năm; hình thành 40 tổ, nhóm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Để tạo đầu ra cho nông sản của các tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ sản xuất, Bắc Kạn đã tích cực kêu gọi liên kết, ký kết tiêu thụ sản phẩm. Diện tích được liên kết tiêu thụ đã tăng từ 10.000ha vào năm 2018 lên hơn 49.000ha vào năm 2023.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, trong 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã được phát động, triển khai sâu rộng. Từ 2018 tới nay, toàn tỉnh đã có 53.130 lượt hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét đã có 23.800 lượt hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội nông dân chọn cử 105 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tham gia tập huấn nâng cao năng lực để làm giảng viên nông dân dạy nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn Cao Minh Hải cho biết, Hội chỉ đạo nhân rộng mô hình “Nông dân dạy nông dân”, dạy nghề theo phương thức các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp “cầm tay, chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành tại mô hình. Mục tiêu trong thời gian tới là tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ theo hướng phát triển hàng hóa bền vững.

Khơi dậy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ảnh 2

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Đại Hà, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. (Ảnh: HƯƠNG DỊU)

Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2028 có 100% hội viên nông dân cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; 20% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 120 tổ hợp tác, hợp tác xã nông, lâm nghiệp; 30% hộ hội viên trở lên đăng ký đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, có 50% trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.