Năm 2020, thành phố đứng trước thách thức chưa từng có kể từ khi mở cửa kinh tế từ 1986 đến nay, đó là lần đầu sau nhiều thập kỷ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố chỉ đạt 1,39%, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cả nước. Thu ngân sách cũng giảm 14,2%. Sự khó khăn trong phát triển của thành phố trong năm qua chủ yếu do dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi ngành kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu trong thời gian nhiều năm qua, thành phố đầu tư mạnh hơn nữa vào phát triển KHCN, đặc biệt hỗ trợ phát triển mạnh công nghệ số trong hoạt động kinh tế và đời sống, thì dù có dịch bệnh, khủng hoảng toàn cầu, thành phố không bị ảnh hưởng nặng nề như năm 2020.
Trong giai đoạn từ năm 1991 - 2010, tốc độ tăng GRDP trên địa bàn thành phố bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GRDP của cả nước khoảng 1,5 lần, nhưng trong 10 năm trở lại đây, từ năm 2011 - 2020, những con số nêu trên chỉ còn lần lượt là 7,2%/năm và 1,2 lần. Điều này cho thấy, nếu như thành phố không có giải pháp mạnh, hiệu quả thì dịch Covid-19 có qua đi thì khó lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh mang tính bền vững và hiệu quả. Từ năm 2021, ngoài các giải pháp về phát triển giao thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng... thì phát triển KHCN là chiến lược quan trọng, góp phần giúp thành phố nắm bắt các thành tựu công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư, tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để ứng dụng vào thực tiễn nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Hiện, thành phố đi đầu cả nước trong xây dựng và phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Sau 20 năm thành lập, giá trị xuất khẩu trực tiếp của doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) năm 2020 đạt 38.500 tỷ đồng. Nếu ngân sách nhà nước đầu tư vào QTSC khoảng 200 tỷ đồng thì tổng vốn thu hút của nhà đầu tư và doanh nghiệp CNTT hơn 6.700 tỷ đồng, ước tính một USD đầu tư của Nhà nước, QTSC thu hút 33,7 USD đầu tư tư nhân.
Thành phố cũng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu công nghệ cao TP Thủ Đức (SHTP), thu hút khoảng 85 dự án đang hoạt động, chiếm 53,1% và 75 dự án đang triển khai hoạt động, chiếm 46,9%. Năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao (CNC) của SHTP đạt gần 21 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 3,45% so với kế hoạch đề ra. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm CNC ước đạt gần 81 tỷ USD. Qua các số liệu trên cho thấy, dù dịch Covid-19 xảy ra nhưng các doanh nghiệp CNC vẫn phát triển với tốc độ nhanh... Tuy nhiên, thành phố cũng giống như tình trạng chung cả nước là sự phát triển KHCN còn nhiều hạn chế, chưa trở thành nền tảng, là quốc sách, động lực then chốt cho phát triển kinh tế, xã hội. GS, TS Võ Thanh Thu, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Các dự án, đề án phát triển KHCN của thành phố có nhiều, tính hấp dẫn cao nhưng sự liên kết giữa các trường, các viện nghiên cứu, DN còn chưa chặt chẽ. Các trường, viện cũng chưa có kế hoạch chủ động tham gia vào các dự án, đề án, kế hoạch phát triển KHCN của thành phố. Ngoài ra, phát triển CNC của thành phố còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư FDI, và trong vài năm gần đây thành phố cũng chưa đón được các dự án CNC nào có khả năng thay đổi mạnh kinh tế thành phố. Số DN có phòng nghiên cứu và phát triển còn ít, tỷ lệ các DN ứng dụng công nghệ mới trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 40%, nhiều DN còn sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu, điều này không những ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của thành phố...
Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển KHCN, thành phố phải có nguồn tài chính thỏa đáng để thực hiện các mục tiêu, cụ thể thành phố cần nâng tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên từ 5 - 7% tổng chi ngân sách, hoặc 2% GRDP của thành phố trong 5 năm tới. Chỉ khi thành phố đầu tư mạnh và hợp lý mới tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho sự phát triển KHCN, nền tảng phát triển bền vững cho nhiều thập niên tới. GS, TS Võ Thanh Thu cho biết thêm, thành phố cần xây dựng chiến lược bảo mật không những ở tầm DN mà cả ở tầm quốc gia và địa phương vì cuộc CMCN lần thứ tư không thể tiến hành sâu rộng nếu không quan tâm đến hoạt động bảo mật. Đồng thời, tạo dựng sự gắn kết có hiệu quả giữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ với các nhu cầu kinh tế, xã hội, trong đó nổi lên các vấn đề về tạo lập môi trường kinh tế, xã hội thuận lợi cho hoạt động và ứng dụng KHCN. Đổi mới cơ chế chính sách về thuế, tín dụng và chế độ tài chính để khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động R&D (Research & Development) là hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và thị trường), sáng tạo công nghệ, ứng dụng kết quả của CMCN lần thứ tư. Khuyến khích việc thành lập các trung tâm R&D mạnh ở các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế để đổi mới công nghệ sản xuất ở ngành mình, thu hút và hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước... TP Hồ Chí Minh cần xem phát triển KHCN, ứng dụng sâu rộng thành tựu của CMCN lần thứ tư là chiến lược hàng đầu cần thực hiện để tạo sự đột phá trong phát triển, duy trì vị trí số một cả nước về kinh tế và trở thành trung tâm hàng đầu về kinh tế và kỹ thuật của khu vực Đông - Nam Á.