Cù Lao Dung đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo huyện Cù Lao Dung nhận Quyết định công nhận huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo huyện Cù Lao Dung nhận Quyết định công nhận huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện, toàn bộ 7 xã, thị trấn của huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

An Thạnh 1 là xã ba lần liên tiếp hoàn thành đầu tiên trong việc đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Cù Lao Dung phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ 2025-2030.

Thưởng tiền cho nông dân trồng lúa giảm phát thải

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ và Viện lúa Quốc tế vừa tổ chức đánh giá kết quả thí điểm trồng lúa phát thải thấp và thưởng tiền cho nông dân tham gia mô hình này.

Có 30 hộ nông dân đạt mức giảm phát thải dưới 1 tấn CO2 tương đương/ha và 8 hộ dân đạt mức giảm phát thải hơn 1 tấn CO2 tương đương/ha. Tổng số tiền thưởng các hộ nông dân nhận được là 20 triệu đồng.

Đây là những hộ dân tham gia mô hình thí điểm trồng lúa phát thải thấp ở Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh nằm trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tập huấn công tác bảo vệ trẻ em ở phía nam

Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị tập huấn - giao ban công tác trẻ em năm 2024 với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ 30 tỉnh, thành phố phía nam.

Đây là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm; những thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành, thiết lập các hệ thống, mạng lưới trong thực hiện công tác trẻ em.

Đồng thời, tăng cường thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt, tích hợp và mô hình về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em tại địa phương…

Huy động nguồn lực bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa

Tỉnh Long An hiện có 126 di tích lịch sử-văn hóa và ba công trình văn hóa có tính lịch sử.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An đang tích cực phối hợp các địa phương thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội tham gia công tác trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị di tích với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải xác định rõ lộ trình bảo tồn, tôn tạo di tích chi tiết theo từng giai đoạn; xác định rõ thứ tự ưu tiên trong công tác thực hiện bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị của công trình trong thời gian sớm nhất.

Hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, trong năm học 2024-2025 tới, có 190 em học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được hỗ trợ gạo với mức 15 kg gạo/tháng/học sinh, từ nguồn ngân sách địa phương. Trong bảy huyện có học sinh được hỗ trợ gạo, huyện U Minh được hỗ trợ nhiều nhất với 75 em.

Việc hỗ trợ gạo nhằm chia sẻ bớt gánh nặng đối với gia đình các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn, tiếp thêm động lực để các em đến trường trong năm học mới.

Căng cáp dây văng cầu Rạch Miễu 2

Cù Lao Dung đạt chuẩn huyện nông thôn mới ảnh 1

Công nhân chuẩn bị căng cáp dây văng đầu tiên cho cầu Rạch Miễu 2.

Đơn vị thi công vừa tiến hành căng cáp dây văng đầu tiên cho cầu Rạch Miễu 2 tại trụ tháp P20 thuộc địa phận xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Hiện, các đơn vị triển khai thi công ba ca, bốn kíp với quyết tâm hoàn thành dự án vào ngày 2/9/2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đến nay, dự án đã hoàn thành được 55,9% khối lượng, cơ bản bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

955 người chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ vay vốn

Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phát triển tái hoà nhập cộng đồng tỉnh Đồng Tháp đã giúp đỡ 955 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống với tổng số tiền gần 31 tỷ đồng.

Được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn đã xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên ổn định cuộc sống; kéo giảm tình trạng tái phạm tội ở địa phương hằng năm luôn ở mức dưới 5%.