Khai thác bền vững giá trị hồ Tây

Với mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận Tây Hồ (Hà Nội) đang tập trung xây dựng Đề án Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo hướng phát triển của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00

Với gần 530ha mặt nước, hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Bên cạnh đó, vùng phụ cận có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc; các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của hồ Tây còn nhiều hạn chế, chưa thu hút đông đảo khách du lịch và mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong khu vực.

Mới đây, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hồ Tây, trong đó đưa ra các loại hình dịch vụ được phép hoạt động như tàu du lịch, thuyền, xuồng, ca-nô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; lướt ván, thuyền buồm, bơi lặn. Quận cũng dự kiến hồ Tây là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu diễn nhạc nước, dù lượn..., với các yêu cầu về quản lý môi trường, vệ sinh.

Đóng góp vào dự thảo này, nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải khai thác hồ Tây và vùng phụ cận, tránh lãng phí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần thận trọng khi cho phép quá nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ trên hồ, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường nước. Bởi, trong quá khứ, hoạt động của các nhà nổi, tàu du lịch đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, buộc thành phố yêu cầu chấm dứt hoạt động từ năm 2017. Theo các chuyên gia quy hoạch, giá trị của hồ Tây không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn có yếu tố văn hóa, tâm linh, là nơi mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của Hà Nội. Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, người dân trong nước và du khách nước ngoài... Do đó, việc quản lý và khai thác hồ Tây cần chú trọng khai thác cả lợi ích về kinh tế và lợi ích văn hóa.

Liên quan đến công tác quản lý khai thác hồ Tây, quận Tây Hồ vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến đóng góp dự thảo Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo hướng phát triển của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”.

Đại diện Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ cho biết, việc xây dựng đề án nhằm lập cơ sở khoa học và thực tiễn; phân tích và xác định các giải pháp chính sách tháo gỡ những rào cản, xử lý các vấn đề mới phát sinh để quản lý, bảo tồn, khai thác có hiệu quả và bền vững các giá trị, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan, di sản thiên nhiên của hồ Tây và vùng phụ cận. Đề án được xây dựng trên nguyên tắc bền vững và dài hạn, dựa trên ba trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường.

Nội dung đề án tập trung vào việc đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế-xã hội. Xác định các giá trị văn hóa, cảnh quan, giá trị thiên nhiên cần được quản lý, bảo tồn; đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị để từ đó xác định được các bất cập, điểm nghẽn về quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận.

Đóng góp vào đề án, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn cho rằng: Bảo tồn, tôn tạo, khôi phục lại các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của hồ Tây để vừa tạo ra tính khác biệt, độc đáo, duy nhất của hồ Tây và vùng phụ cận, vừa phát triển kinh tế-xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị hồ Tây và vùng phụ cận phải bảo đảm không làm mất đi giá trị lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, Nguyễn Đình Khuyến khẳng định, Đề án đã xác lập được không gian phát triển hồ Tây và vùng phụ cận, quy chế quy định để quản lý hồ. Hy vọng đề án là kim chỉ nam cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận đạt hiệu quả cao, bền vững.