Khắc phục bất cập trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

Không chỉ được coi là một trong những “chìa khóa” quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Thực hiện cưỡng chế Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất đối với 4 hộ dân để thực hiện Dự án xây dựng khu dân cư mới phía nam xã Tân Hương.
Ban Thực hiện cưỡng chế Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất đối với 4 hộ dân để thực hiện Dự án xây dựng khu dân cư mới phía nam xã Tân Hương.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, trong quá trình triển khai thu hồi đất hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn gặp vướng mắc, bất cập, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.

Một trong những nguyên nhân khiến vấn đề khiếu kiện về đất đai (chiếm 70% số đơn thư khiếu nại) trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay chủ yếu là do những vướng mắc về công tác đền bù GPMB, tập trung ở những vấn đề như: nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường. Mặt khác, liên quan trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất, vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch.

Phần lớn ý kiến người dân cho rằng, họ có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi, chịu thiệt nếu việc thu hồi đất là cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc cho phát triển kinh tế, lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước.

Ngược lại, họ sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt, tạo kẽ hở cho trục lợi, lợi ích nhóm.

Nhiều trường hợp do bức xúc, người dân có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi đất; thậm chí cản trở tiến độ thi công công trình, không nhận tiền bồi thường, không chịu di dời đến nơi ở mới.

Một trong những nguyên nhân khiến vấn đề khiếu kiện về đất đai (chiếm 70% số đơn thư khiếu nại) trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay chủ yếu là do những vướng mắc về công tác đền bù GPMB...

Trong đơn, ông Trần Văn Việt, ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, căn cứ Quyết định số 765/QÐ-UBND ngày 11/8/2022 của UBND huyện Lạng Giang về việc thu hồi đất (giai đoạn 5) để thực hiện Dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi, có nhiều hộ gia đình nằm trong diện bị thu hồi đất trồng lúa để Nhà nước giao đất cho Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị nhà ở, biệt thự… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, việc đền bù GPMB có nhiều sai phạm.

Cụ thể, các hộ dân cho rằng, việc UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lạng Giang thu hồi đất trồng lúa lâu đời của các hộ nhưng áp giá bồi thường 52.000 đồng/m2 là quá thấp, không phù hợp.

Mặt khác, trong quá trình triển khai Dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi, chủ đầu tư chưa xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội mà sử dụng quỹ đất xây nhà xã hội để bán với giá thương mại, dịch vụ, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều thửa đất chưa bồi thường xong, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai vẫn bán ra thị trường, gây ra tình trạng tranh chấp giữa người bị thu hồi đất và người mua, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Ðể làm rõ những vấn đề phản ánh trong đơn thư của các hộ dân, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang Trịnh Văn Thanh cho biết: Thực hiện Công văn 1251/UBND-TCD ngày 30/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, làm rõ nội dung đơn của công dân trú tại tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, liên quan việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang; ngày 12/5/2021, Thanh tra tỉnh đã có Báo cáo số 52/BC-TTr báo cáo kết quả kiểm tra, xem xét làm rõ một số vấn đề trong nội dung đơn của công dân, trong đó xác định: Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (giai đoạn 1, 2 và 3) được thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, áp dụng đúng quy định về bồi thường, hỗ trợ và đúng trình tự thủ tục và các quy định của pháp luật…

Thực tế, đây là vụ việc khiếu kiện đã kéo dài nhiều năm và đã được chính quyền địa phương giải quyết nhiều lần. Ðến nay, vụ việc đã được đưa ra tòa án xét xử.

Trên đây chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp khiếu kiện kéo dài trong công tác đền bù, GPMB thời gian qua. Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, nguyên nhân chủ yếu trước hết là do công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cấp, các ngành để vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất, hiểu rõ quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa cụ thể và kịp thời.

Thứ hai, do nguồn kinh phí bồi thường cấp chưa kịp thời so với nhu cầu nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên thay đổi, gây tâm lý trông chờ, so bì trong nhân dân.

Thứ ba, do nhiều dự án chưa có sẵn quỹ đất tái định cư, khi giải tỏa không chủ động được việc bố trí tái định cư và nhu cầu đất ở, chuyển đổi nghề nghiệp.

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Ðây cũng là dịp để các ngành chức năng rà soát tổng thể và hoàn thiện hơn nữa pháp luật về đất đai nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai…, khắc phục sự bất hợp lý trong thu hồi đất, đền bù GPMB.

Chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề chủ yếu thực hiện việc chi trả bằng tiền, chưa có giải pháp cụ thể để người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề, nhất là các hộ bị thu hồi hết đất nông nghiệp, vì thế thường dẫn đến tình trạng người dân chưa đồng ý với mức giá bồi thường, hỗ trợ và cho rằng giá bồi thường chưa đúng với giá thị trường, dẫn đến khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, xây dựng tại cấp xã còn buông lỏng, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, xây dựng trái phép và khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường, cho nên không chấp hành bàn giao mặt bằng.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là một số chủ đầu tư do không đủ năng lực thực hiện dự án, cố tình trì hoãn kéo dài. Có trường hợp chỉ còn vài hộ chưa đền bù giải tỏa được nhưng chủ đầu tư không tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết, lấy cớ đó để không triển khai dự án…

Vừa qua, dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Ðây cũng là dịp để các ngành chức năng rà soát tổng thể và hoàn thiện hơn nữa pháp luật về đất đai nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai…, khắc phục sự bất hợp lý trong thu hồi đất, đền bù GPMB. Việc khiếu nại bồi thường, GPMB hiện nay chủ yếu là khiếu nại về giá đất, tài sản trên đất.

Vì vậy, khi xây dựng bảng giá đất hằng năm, các tỉnh cần chú trọng đến khả năng sinh lợi của từng khu vực, vị trí đất, nhất là đối với đất nông nghiệp để xác định mức giá cho phù hợp giá trị thực tế…; vận dụng tối đa chế độ, chính sách trong bồi thường, GPMB để bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Các cơ quan quản lý đất đai các cấp từ cơ sở đến tỉnh cần cập nhật kịp thời các biến động về đất đai vào bản đồ địa chính, sổ địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai nói chung và công tác bồi thường GPMB như xác nhận nguồn gốc đất đai, quy chủ, lập hồ sơ bồi thường được thuận lợi hơn.

Cùng với đó, các địa phương nên quan tâm xây dựng thêm các khu tái định cư đồng bộ, bảo đảm đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; bố trí đủ, kịp thời kinh phí bồi thường, hỗ trợ để chi trả cho người bị thu hồi đất và giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân về bồi thường, GPMB một cách kịp thời, nếu phát hiện các quy định chưa hợp lý cần kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.