Thời điểm xảy ra cháy, chiếc xe đang lưu thông theo hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra các tỉnh miền trung. Khi phát hiện xe cháy, tài xế đã mở cửa cho hàng chục hành khách thoát ra trước khi ngọn lửa bao trùm cả xe. Do khoảng cách từ thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đến vị trí xe khách bị cháy hơn 30 km cho nên phải mất hơn 30 phút, các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng các phương tiện chữa cháy mới tiếp cận được hiện trường. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi, các cán bộ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã khống chế và dập tắt ngọn lửa. Các cán bộ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân, điều tiết phương tiện đi một làn đường tạm thời nhằm giải toả tắc đường.
Trước đó, trên đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn qua thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận xảy ra cháy xe khách do ông Trần Đình Quốc Phong (sinh năm 1974, trú ở Quảng Nam) điều khiển. Ngay sau khi phát hiện hỏa hoạn từ gầm xe, tài xế nhanh chóng cho xe dừng lại bên đường rồi hướng dẫn các hành khách khẩn trương rời khỏi xe… Nhận được thông tin vụ cháy xe từ ông Nguyễn Đức Vũ là người phụ lái xe khách, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Ninh Thuận điều động 14 cán bộ, chiến sĩ lên hai xe chữa cháy chuyên dụng tăng tốc đến hiện trường khống chế ngọn lửa, dập tắt đám cháy. Mặc dù vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người, nhưng xe ô-tô khách cùng nhiều hành lý trên xe đã bị thiêu rụi... Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ cháy xe xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay mà cơ quan chức năng ghi nhận.
Trước tình trạng xảy ra các vụ cháy xe khách trên các tuyến cao tốc, tại một hội nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhấn mạnh: Các vụ cháy xe trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông và có thể gây hậu quả lớn. Đề nghị cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân, chia sẻ thông tin đến nhân dân, các chủ xe kinh doanh vận tải, từ đó chủ động có các biện pháp phòng tránh, chủ động trong công tác khắc phục khi sự cố xảy ra.
Thực tế cho thấy, các vụ cháy xe khách đều xuất phát từ những nguyên nhân, như: Động cơ bị quá nhiệt; rò rỉ hệ thống đường dẫn nhiên liệu; không thường xuyên bảo dưỡng xe, lỗi hệ thống điện; pin của xe điện, xe hybrid; dầu nhớt xuống cấp; hở ống xả. Bên cạnh đó, việc cháy xe khách còn do một số nguyên nhân khác đến từ các hoạt động dân sinh như phơi rơm rạ ở đường tạo ra các vật liệu dễ gây cháy khi tiếp xúc với các bộ phận có nhiệt độ cao của xe. Thời tiết nóng nắng, các xe khách giường nằm, liên tỉnh ít dừng nghỉ mà thường liên tục di chuyển trong điều kiện nhiệt độ cao nên tiềm ẩn nguy cơ cháy xe. Hàng hóa trên xe có thể là những vật liệu dễ cháy như: chăn, xe máy, xăng, dầu,… cũng dễ gây cháy xe.
Để bảo đảm an toàn, nhất là trong mùa nắng nóng, các lái xe, chủ cơ sở kinh doanh vận tải cần thường xuyên bảo dưỡng xe định kỳ. Trường hợp phát hiện ra các lỗi liên quan hệ thống điện, rò rỉ xăng, dầu nhớt phải sửa chữa kịp thời trước khi đưa vào vận hành. Hệ thống nước làm mát phải luôn bảo đảm đầy đủ, vì đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy xe.
Không nên độ chế, lắp thêm nhiều thiết bị tiêu thụ điện như đèn, loa, tủ lạnh… vào hệ thống điện của xe. Chỉ nên lắp thêm những thiết bị được garage chính hãng khuyến cáo, tiêu thụ ít điện năng. Khi đi qua các khu vực có nhiều chất dễ cháy, như: rơm rạ, rác ni-lông… lái xe nên đi chậm để không bị cuốn nhiều rơm, rạ vào gầm xe. Hết quãng đường, các tài xế nên tự kiểm tra lại bằng cách quan sát và lấy hết rơm, rạ ở gầm xe ra nếu có. Hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao, cần bố trí khoảng thời gian dừng, nghỉ phù hợp. Sử dụng xăng, dầu đạt chuẩn tại các cây xăng hợp pháp, tránh sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan quản lý, cần phải tăng cường kiểm soát để bảo đảm các cây xăng cung cấp nhiên liệu đúng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Không để trên xe hoặc nhận chở các loại hàng hóa dễ cháy, như: Xăng, dầu, hóa chất, bình khí nén,… Trong quá trình di chuyển, nếu lái xe hoặc các hành khách phát hiện xe khách có dấu hiệu quá nhiệt, lỗi động cơ, đồng thời xuất hiện mùi khét, cháy cần nhanh chóng thoát ra ngoài và gọi đến số điện thoại 114 của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để tránh rủi ro ■