Bà N.T.A.T, ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai là một trong những nạn nhân của cơ sở “PK ĐHY TP.Hồ Chí Minh”, địa chỉ: 75 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku.
Theo phản ánh của bà T, vì tin tưởng cơ sở này có bác sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh nên bà đã đến khám, chữa bệnh. Tại đây, bà T được bác sĩ Võ Minh Thanh khám và đưa ra phác đồ điều trị trong một tháng với 4 lần điều trị (mỗi lần cách nhau 1 tuần), tổng chi phí là 18 triệu đồng. Bà T đã nộp 9,2 triệu đồng. Theo bà T, qua 3 lần điều trị gồm: tiêm xơ, laser sóng cao tần… nhưng bệnh không thuyên giảm. Nghi ngờ về chuyên môn của bác sĩ, bà đã gửi thư phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Ngày 30/9/2024, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã kiểm tra đột xuất cơ sở “PK ĐHY TP.Hồ Chí Minh”. Thời điểm này, người tự xưng là bác sĩ Võ Minh Thanh đang khám bệnh cho một khách hàng, tư vấn điều trị suy giãn tĩnh mạch, tiêm xơ và laser sóng cao tần. Qua xác minh, người này khai nhận tên thật Võ Minh Chiến, sinh năm 1996, trú tại thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa, không có bằng cấp hành nghề y, nhưng tự nhận mình là bác sĩ và tư vấn, khám bệnh cho khách hàng theo hướng dẫn của bà Lê Thị Thành, quản lý cơ sở. Toàn bộ tiền khám chữa bệnh cho khách hàng đều chuyển vào tài khoản của bà Lê Thị Thành.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở “PK ĐHY TP.Hồ Chí Minh”, yêu cầu cơ sở chấm dứt ngay hành vi vi phạm, dừng tất cả hoạt động liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, tháo gỡ toàn bộ biển hiệu, chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, xử lý.
Cuối tháng 2/2024, một kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh-Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã phát hiện một người đàn ông lạ mặt mặc áo blouse trắng, đội mũ xanh, đeo ống nghe nhưng không đeo thẻ tên. Qua xác minh, người này khai nhận là Vũ Quốc Bảo, 31 tuổi, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, giả làm bác sĩ để lừa tiền người bệnh.
Trước đó, Bảo đã mạo danh là thạc sĩ, bác sĩ, lập trang web giới thiệu về bác sĩ gia đình, hẹn bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai để tạo sự tin tưởng. Với thủ đoạn này, Bảo đã lừa một người bệnh ở Hà Nội, chiếm đoạt 1,7 triệu đồng.
Tháng 1/2024, Công an tỉnh Kon Tum khởi tố vụ án, khởi tố ba bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Dương Văn Thái, Ngô Văn Thức, Ngô Văn Thế cùng trú tại Nam Định. Từ đơn trình báo của một công dân về việc bị nhóm đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 700 triệu đồng, bằng hình thức mạo danh bác sĩ để bán thuốc chữa trị xương khớp và mời tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe miễn phí, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra.
Tại cơ quan công an, đối tượng Thái khai nhận đã tham gia bán thực phẩm chức năng qua mạng xã hội nên có thông tin cá nhân của người bệnh từng mua thuốc. Thái cùng Thức và Thế sử dụng sim rác gọi điện thoại cho người bệnh, tự giới thiệu là: Trưởng Khoa Khớp của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Giám đốc Trung tâm điều trị xương khớp, Chủ tịch Hiệp hội Đông y, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe, để lấy lòng tin của người bệnh. Khi người bệnh đồng ý mua thuốc, Thái lên đơn, bán thuốc bằng hình thức ship COD (thu tiền hộ), giá từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng/1 hộp.
Lừa đảo chạy bệnh án cho người khuyết tật để hưởng chế độ chính sách
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng chiêu trò: có chính sách trợ cấp cho những người điều trị bệnh lâu dài, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng, người già neo đơn, hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế, yêu cầu người bệnh chuyển tiền vào tài khoản để làm thủ tục hồ sơ, sau đó chiếm đoạt tiền. Bằng các thủ đoạn trên, nhóm đối tượng đã lừa đảo nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Tháng 12/2023, Công an huyện Tân Yên, Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá một ổ nhóm mạo danh bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng cho hàng chục nghìn người bệnh, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu điều tra xác định: Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, bị can Đặng Văn Thắng, sinh năm 1994, trú tại thôn Văn Lãng, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội cùng đồng bọn thành lập Công ty TNHH Bảo Long Dược, sau đó thành lập các Fanpage giả danh các bác sĩ giỏi, có danh tiếng, từng công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn, tư vấn không đúng sự thật tác dụng của các sản phẩm là thực phẩm chức năng nhưng lại quảng cáo là thuốc, điều trị được các bệnh: ung thư tuyến giáp, xơ gan, u nang, u xơ,… để bán với giá cao gấp 10 đến 15 lần cho người bệnh.
Tháng 9/2023, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của một bị hại về việc bị một nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng. Qua xác minh, điều tra, lực lượng chức năng xác định nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Tâm cầm đầu. Tại cơ quan công an, Tâm khai nhận đã thuê 12 người, trong đó, Nguyễn Văn Quang được giao quản lý tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa đảo.
Tâm mua các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị xương khớp và mất ngủ, giá mỗi hộp 30.000 đồng; mua thông tin, số điện thoại của các bệnh nhân với giá 1.000 đồng/1 trường hợp. Tâm giao cho mỗi nhân viên từ 50-100 số điện thoại của người bệnh để gọi điện thoại giả danh bác sĩ, thanh tra y tế để lừa người bệnh mua thuốc và tham gia chương trình “những người uống thuốc đông y lâu năm sẽ được nhà nước chi trả 80% số tiền đã bỏ ra mua thuốc và được tặng một thẻ khám chữa bệnh miễn phí của các bệnh viện trung ương”, rồi yêu cầu người bệnh đóng tiền tạm ứng làm hồ sơ từ một triệu đến ba triệu đồng. Quang được giao đóng gói bưu phẩm gồm thuốc chữa bệnh xương khớp, thẻ bảo hành ghi tên khách hàng có đóng dấu tên: Giám đốc Bùi Xuân Thuận; pháp lý Ngô Đức Nghĩa.
Khi người bệnh tin tưởng, nhóm của Tâm tiếp tục đưa thông tin lừa đảo về việc “làm sổ thăm khám định kỳ, được cấp phát thuốc miễn phí, mỗi tháng nhà nước hỗ trợ 2,8 triệu đồng trong vòng 5 năm” hoặc gọi điện thoại cho bị hại tự xưng là giám đốc ngân hàng Nguyễn Minh Châu rồi yêu cầu đóng tiền với nhiều lý do khác nhau để chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn trên, nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Tâm cầm đầu đã lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Cùng với việc bị mất tiền, nhiều người bệnh đã phải chịu đựng những hệ luỵ lâu dài từ việc điều trị sai cách, khiến bệnh tình thêm trầm trọng, gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Quá trình xác minh, điều tra nhiều vụ việc lừa đảo y tế, cơ quan công an nhận định, các đối tượng thường giả danh bác sĩ, chuyên gia trong các lĩnh vực có nhu cầu cao, như: điều trị xương khớp, phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da, chữa bệnh bằng phương pháp dân gian, cổ truyền. Có đối tượng giả danh bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh "chui", có đối tượng hoạt động qua mạng xã hội.
Để tạo lòng tin với người bệnh, các đối tượng thường sử dụng bằng cấp hoặc giấy chứng nhận giả, khoe các chức vụ, chức danh, trình độ chuyên môn, đăng tải các thông tin thổi phồng công dụng của sản phẩm hoặc các liệu pháp như "châm cứu thần kỳ", "bài thuốc dân gian bí truyền”, cùng lời hứa hẹn chữa "khỏi bệnh nhanh chóng", "an toàn tuyệt đối"…
Để tránh rơi vào những bẫy lừa đảo của bác sĩ rởm, người bệnh cần trang bị kiến thức và thận trọng trong việc lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh. Trước khi quyết định khám chữa bệnh, cần tìm hiểu kỹ thông tin về bác sĩ gồm: bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động của cơ sở y tế nơi bác sĩ làm việc từ các nguồn thông tin chính thống.
Người bệnh nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế có uy tín, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để khám chữa bệnh, không đến các phòng khám "chui" hoặc không có thông tin rõ ràng về giấy phép hành nghề.
Nếu phát hiện bác sĩ giả mạo hoặc nghi ngờ về tính hợp pháp của cơ sở y tế, cần báo ngay cơ quan chức năng để được giải quyết kịp thời, tránh cho những người khác trở thành nạn nhân.
Bên cạnh đó, chính quyền và các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt vai trò giám sát, tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế, phòng khám, siết chặt quy định cấp phép hành nghề, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân.