Bà Văn Thị Hằng, thôn Phú Xá, xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn) có thửa đất diện tích 392,2m2, được sử dụng và xây dựng các công trình ổn định, không có tranh chấp từ năm 1990 đến nay; có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1994. Ngày 25/1/2019, bà nhận được Quyết định 606/QĐ-UBND TP Sầm Sơn, thu hồi 392,2 m2 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn. Trong đó, đất ở nông thôn là 200m2, đất trồng cây lâu năm là 150m2…
Bà Hằng không đồng tình với quyết định trên. Vì đất nhà bà đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1994, nhưng tại sao khi thu hồi phục vụ dự án phúc lợi quốc gia lại phân chia ra nhiều loại đất như vậy? Bà cũng không đồng ý với giá bồi thường đất, khi được tính với giá 2,5 triệu đồng/m2 đất ở nông thôn. Bà đã làm đơn kiến nghị.
Cũng tại dự án trên (giai đoạn 1), ông Trịnh Quang Ninh, đại diện cho hơn 10 hộ dân ở các xã Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Hải (Sầm Sơn) cũng lo lắng, không đồng tình với cách phân chia đất, thu hồi đất và cách tính giá đất như trên. Ông cho biết, việc thu hồi đất, khi đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất không minh bạch, áp giá không sát thị trường. Đất ở của dân thì chia ra nhiều loại đất để bồi thường, gây thiệt hại cho người dân. Thu đất nông nghiệp với giá rẻ, chuyển thành đất ở đấu giá với giá cao rất nhiều lần. Người dân cũng phản ánh rằng, việc thu hồi đất bằng quyết định và bảng kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư chỉ bằng giấy phô-tô. Họ không được bố trí đất tái định cư.
Tại Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự Hùng Sơn, TP Sầm Sơn, ông Lưu Văn Hùng (thôn 2, Quảng Hùng), cho biết, gia đình ông có 1.211,8m2 đất được Nhà nước công nhận mục kê các thời kỳ. Từ năm 2004, khi có dự án vào địa phương, đất gia đình ông được đưa vào quy hoạch và có áp giá đền bù, nhưng ông thấy chưa thỏa đáng. Sau đó, đơn vị làm dự án đi đâu mất. Mãi đến tháng 6/2021, dự án khởi động lại, thì chính quyền địa phương có mời gia đình ông lên làm việc và áp giá đền bù 200m2 đất ở, phần đất liền kề đựơc áp giá 25 nghìn đồng/m2 không có nguồn gốc trước 1980 nhưng gia đình ông không thuận tình với giá trên.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1971) có 1.137m2 đất ở thuộc thửa số 662, tờ bản đồ số 13 tại thôn 2 (Quảng Hùng). Bà cho biết, đất nhà bà có nguồn gốc là đất ở, nên không đồng tình với cách chia đất, cũng như cách tính đất quá thấp của các bên liên quan trong việc thu hồi đất. Bà Thúy bức xúc: “Đất vườn lâu dài trả bằng 25 nghìn đồng/m2. Nghĩa là 1m2 đất chưa bằng một bát phở bình dân”.
Tại dự án Khu đô thị và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã, là một dự án rất lớn, nhiều người dân cũng tỏ ra lo lắng, bức xúc.
Được biết, mới đây, tại dự án này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1645/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (một phần khu I.3 - tại Nam Sông Mã), TP Sầm Sơn. Phạm vi điều chỉnh bao gồm ba khu vực có tổng diện tích 1.030.912,4m2 thuộc địa giới hành chính các phường Quảng Châu và Quảng Tiến bao gồm khu đô thị 673.247,9m2 (khoảng 67,3ha), khu công viên 335.517,3m2 (khoảng 33,5ha) và khu vực sông Đơ 22.147,2m2.
Tuy nhiên, những người bị lấy đất để thực hiện dự án đang rất bức xúc và lo lắng. Họ cho rằng, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư số 1320/QĐ-UBND và Quyết định thu hồi đất số 1318/QĐ-UBND cùng ngày 18/3/2022 của UBND TP Sầm Sơn cần phải xem xét lại.
Theo đó, người dân kiến nghị rằng, UBND TP Sầm Sơn đang xác định nguồn gốc đất không có căn cứ, không phù hợp lịch sử và thực tế sử dụng đất, dẫn đến việc không bồi thường về đất, không hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho dân. Khu vực đất họ sinh sống là khu vực đất khai hoang, có đầy đủ điều kiện được bồi thường về đất, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Các hộ dân đã cung cấp cho chúng tôi giấy xác nhận đất và các giấy tờ khác liên quan, có chữ ký, con dấu của địa phương từ hàng chục năm trước. Như giấy xác nhận thời điểm sử dụng đất, nguồn gốc đất của gia đình ông Nguyễn Văn Thoại trú tại khu phố Bình Tân, phường Quảng Tiến, được lập vào ngày 3/8/2011. Giấy này chứng minh đất ông Thoại là đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, được kế thừa từ bố đẻ là ông Nguyễn Văn Dũng. Giấy xác nhận cũng cho biết, năm 1992, bố ông Thoại được UBND xã-nay là phường Quảng Tiến cho phép khai hoang khu đất bồi ven sông Đơ để trồng cây sen; sau đó gia đình đã chuyển hướng sản xuất tôn tạo thành ao nuôi cá, cấy lúa, trên bờ trồng cây ăn quả. Kể từ đó đến nay, gia đình vẫn sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất nông nghiệp và không tranh chấp.
Hay tại Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 5/8/2011 của UBND phường Quảng Tiến báo cáo lên UBND thị xã-nay là TP Sầm Sơn, cũng nói rằng, đất gia đình ông Thoại là đất khai hoang bãi bồi ven sông Đơ đoạn giáp đê sông Mã, thời điểm sử dụng đất trước ngày 1/3/1993, trực tiếp sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, sản xuất ổn định, không tranh chấp. Vậy mà giờ đây, không hiểu vì sao, nguồn gốc đất của gia đình ông lại bị xác định khác đi, để dẫn đến tình trạng, đất thành vô giá trị, 0 đồng?
Các hộ dân khác cũng cho biết, việc sinh sống, canh tác tại khu vực sông Đơ của họ đều được chính quyền và người dân địa phương biết đến, ghi nhận và không có bất kỳ ý kiến phản đối nào.
Ngoài ra, người dân cũng cho rằng, UBND TP Sầm Sơn đang xác định không bồi thường chi phí di chuyển cho người dân là không phù hợp quy định pháp luật. Tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi cũng chưa được kiểm kê, ghi nhận đúng, đầy đủ với số lượng, tình trạng thực tế.
Các hộ dân còn lo lắng khi không nhận được thêm bất kỳ chế độ nào khác để giúp cho họ có chỗ ở, ổn định cuộc sống, sản xuất khi bị thu hồi. Việc thu hồi đất có thể khiến họ rơi vào cảnh không nhà ở, không có công ăn việc làm. Nếu giá đất 0 đồng, kéo theo những hệ lụy khác, thì người dân không biết lấy tiền đâu để xây dựng một cuộc sống mới.
Được biết, ngày 18/6/2022, UBND TP Sầm Sơn đã ra Quyết định số 3394/QĐ-UBND về việc hủy bỏ Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư số 1320/QĐ-UBND và Quyết định thu hồi đất số 1318/QĐ-UBND cùng ngày 18/3/2022 của UBND TP Sầm Sơn để thực hiện dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã. Người dân đang kỳ vọng về việc hủy bỏ này, từ đó sẽ ra quyết định mới đúng pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: Hiện tại, trên địa bàn thành phố đang triển khai rất nhiều dự án quy mô lớn. Về cơ bản, công tác đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra đúng tiến độ. Tuy nhiên, tại một số dự án vẫn chưa có tiếng nói chung giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền về mức giá đền bù. Trong phạm vi của mình, thành phố đã cố gắng giải quyết quyền lợi của người dân.
Trước kiến nghị của người dân, UBND TP Sầm Sơn cần xem xét, xác minh lại nguồn gốc đất, để từ đó, tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tính giá đất hợp lý, tránh để thiệt thòi cho dân.