Giữ đảo mãi xanh

Khi tới đảo, ai cũng nghĩ tới màu xanh của biển cả, màu xanh của cây rừng, nhưng giờ đây sẽ thấy được cả màu xanh của không gian sống. Đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để mang lại màu xanh ấy. Chuyện không chỉ đơn giản là phát động trồng thêm cây, thu gom rác tự phát nữa mà từ những chính sách của chính quyền địa phương, cùng hành động của người dân để từng ngày mang lại nhiều màu xanh cho những hòn đảo...
Người dân, học sinh cùng lực lượng chức năng tham gia dọn sạch bãi biển trên đảo Cô Tô. (Ảnh QUANG THỌ)
Người dân, học sinh cùng lực lượng chức năng tham gia dọn sạch bãi biển trên đảo Cô Tô. (Ảnh QUANG THỌ)

Không bao giờ có điểm kết thúc

Ba năm trước, anh Nguyễn Văn Nghĩa - một người dân trên huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) - vẫn hoài nghi về thành công khi được chính quyền địa phương vận động thực hiện không xả rác thải nhựa trên đảo. Không ngờ đến nay, việc này đang trở thành phong trào rộng khắp của huyện đảo.

Cô Tô không phải là địa phương đầu tiên trong cả nước kêu gọi người dân và du khách hành động vì môi trường biển xanh, không sử dụng túi ni-lông, không có rác thải nhựa. Vì đi sau nên quyết tâm phải lớn hơn và bằng sự quyết liệt, cách thức tổ chức bài bản đã đem lại cho huyện những hiệu quả đáng kể.

"Việc đó thật mơ hồ, khó khả thi"- anh Nghĩa cùng nhiều người dân trên đảo nhớ lại thời điểm ba năm trước khi hằng ngày, Đài Phát thanh huyện Cô Tô liên tục phát đi thông báo chính quyền địa phương có ý tưởng thực hiện huyện đảo không rác thải nhựa.

"Thời điểm đấy đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch tháng 6/2021, người dân đang tập trung cao độ cho một mùa du lịch mới. Không ai quan tâm tới chuyện rác thải, mà mình làm người khác không làm thì có người lại cho mình bao đồng" - anh Nghĩa chia sẻ thêm.

Để tạo niềm tin, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nhất là cán bộ công chức, đảng viên của các cơ quan, đơn vị đóng quân trên huyện đảo gương mẫu đi đầu cam kết thực hiện không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, sử dụng làn nhựa đi chợ và thực hiện phân loại rác tại gia đình. Chính quyền địa phương phối hợp cấp phát miễn phí các sản phẩm thay thế đồ dùng bằng nhựa cho người dân với 1.200 chai thủy tinh, 1.200 túi vải, 1.600 túi giấy cùng 17.000 ống hút bằng tre...

"Vừa không phải mất tiền mua đồ dùng mà lại còn được miễn phí thì không thể từ chối được" - anh Nghĩa nói về lý do tham dự chương trình. Sau khi nhận lời, anh vận động hàng xóm cùng làm, nhưng không dễ thuyết phục. Túi ni-lông đã trở thành vật dụng khó thay đổi, sử dụng lâu đã trở thành thói quen, thông dụng khi có thể sử dụng đựng rất nhiều loại đồ, bền và rẻ.

Cùng với nhiều tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên, anh Nghĩa trở thành một tuyên truyền viên khi tham gia nhiều buổi họp, nhấn mạnh lợi ích về sức khỏe, môi trường sống để thuyết phục từ người dân đến từng chủ nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng túi ni-lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế chai nước dùng nhiều lần...

Với sự quyết liệt cùng sự kiên trì, người dân đã bắt nhịp dần với thói quen sống mới. Từ đây, nhiều mô hình cũng đã được tổ chức như "Biến rác thành tiền" do Hội Phụ nữ phát động; phong trào tổng vệ sinh thứ năm hằng tuần gắn với việc huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia ...

"Nói về kết quả thì có sáu gạch đầu dòng đã được chỉ ra trong báo cáo, nhưng đó là nhận thức và hành động của người dân, cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ môi trường. Khi làm thành công, thấy có ích cho xã hội, mọi người sẽ tự động chuyển đổi dần theo, không cần thuyết phục" - đồng chí Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô chia sẻ.

Tuy nhiên, khách du lịch mới là mục tiêu mà huyện đảo Cô Tô cần phải hướng tới hành động triển khai mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Cô Tô là hòn đảo du lịch, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, trong đó riêng năm 2023 đã đón hơn 300.000 lượt khách, gấp 3-4 lần dân số của huyện.

Để làm được điều này, huyện yêu cầu các đơn vị vận tải, tàu khách, tàu hàng chấp hành nghiêm, khi kiểm soát túi ni-lông ngay từ cầu cảng; thay túi ni-lông bằng các túi thân thiện với môi trường, nếu vi phạm nhiều lần sẽ xin không cấp lệnh cập cảng Cô Tô.

"Khó là thế nhưng không thể không làm. Huyện đã chia ra làm nhiều giai đoạn nhằm thay đổi nhận thức cho du khách. Và để Cô Tô xanh, sạch, đẹp thì chính quyền cùng người dân huyện đảo xác định, đề án cần phải thoát ra khỏi văn bản hành chính, sống với đời sống nhân dân, để đề án sẽ không bao giờ có điểm kết thúc", đồng chí Thông chia sẻ.

Mang về những bức ảnh, để lại những dấu chân

Vừa cùng tình nguyện viên các câu lạc bộ yêu môi trường tại Đà Nẵng hoàn thành buổi lặn biển nhặt rác trong chương trình "Clean up Son Tra" - Làm sạch Sơn Trà, anh Đào Đặng Công Trung (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đã gửi cho chúng tôi chùm ảnh rác thải nhựa chụp từ đáy biển Đà Nẵng.

13 năm qua, anh là người truyền cảm hứng, là đại sứ môi trường biển Đà Nẵng với hành trình lặng thầm nhưng mang nhiều ý nghĩa vì một Sơn Trà xanh, vì những bãi biển Đà Nẵng không rác thải. Hiện nay, đồng hành với anh trong hành trình nhặt rác có rất nhiều cơ quan, đoàn thể trường học, đoàn viên, sinh viên các công ty, doanh nghiệp, cá nhân với các chương trình thu gom rác quanh bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng.

Phong trào lan tỏa rộng, góp một phần làm xanh-sạch-đẹp thành phố. Về dưới nước, hiện có Câu lạc bộ bơi lặn quận Thanh Khê với 25 người, nhóm Danang Free Diving với 35 người. Họ là những người yêu biển, yêu môi trường biển, có kỹ năng dưới nước cho nên đã thực hiện các công việc lặn nhặt rác dưới đại dương rất trôi chảy và an toàn. Những chuyến đi như vậy, anh Trung đều mang về phố từ 10 kg đến 15 kg rác gồm hộp xốp, vỏ chai nước, vỏ lon bia, lon nước ngọt, mảnh vỡ của xe máy, ni-lông...

Có thế mạnh là du lịch biển, những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó, làm sạch biển, bảo vệ rạn san hô Sơn Trà, bảo vệ bán đảo Sơn Trà luôn được chú trọng.

Với thông điệp khi du lịch Đà Nẵng, du lịch bán đảo Sơn Trà là "Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân", ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: Chương trình "Clean up Son Tra" - Vì một Sơn Trà xanh là hoạt động ra quân thu gom rác, làm sạch môi trường trên cạn và dưới nước thường niên do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chủ trì, phối hợp các đơn vị, câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn thành phố tổ chức vào các tháng cao điểm mùa du lịch.

Chương trình đầu tiên được thực hiện từ năm 2011 với số lượng tình nguyện viên khoảng 50 bạn, qua thời gian tổ chức thực hiện, đến nay mỗi số Clean up Son Tra luôn nhận được sự quan tâm lớn của các tổ chức, đơn vị trên khắp địa bàn thành phố. Với số lượng đăng ký tham gia chương trình thường đạt đến con số từ 300-800 tình nguyện viên chỉ sau vài ngày phát động. Mỗi đợt thu gom sẽ thu về khoảng từ 200-1.500 kg rác thải, góp phần vì màu xanh của bán đảo Sơn Trà, đồng thời tuyên truyền đến người dân và du khách về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên tự nhiên.

"Mỗi năm chúng tôi tổ chức "Clean up Son Tra" - Làm sạch Sơn Trà từ 6-8 lần và trong năm 2024, đây là lần thứ 4. Thông qua chương trình, chúng tôi muốn gửi đến thông điệp với các bạn trẻ, người dân, du khách, hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp của bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng. Bảo vệ tài nguyên rừng của Sơn Trà - một trong những tài nguyên vô cùng quý giá của thành phố Đà Nẵng, để bán đảo Sơn Trà sớm trở thành "Điểm đến xanh" cho cả cộng đồng. Hãy cùng nhau hành động để tạo ra những thay đổi tích cực cho môi trường sống chung quanh chúng ta", ông Hải kêu gọi.