Để tuyến phố đi bộ trở thành không gian sáng tạo và văn hóa

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong việc xây dựng các tuyến phố đi bộ, một điểm đến thú vị với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn dành cho du khách và người dân. Hà Nội hiện có sáu tuyến phố đi bộ được mở ra, song không phải tuyến phố nào cũng hoạt động như kỳ vọng ở cả khía cạnh kinh tế và không gian văn hóa. Làm thế nào để các tuyến phố không chỉ là “tuyến phố đi bộ” mà còn là không gian sáng tạo cộng đồng, không gian văn hóa thật sự là bài toán không dễ có lời giải.
0:00 / 0:00
0:00
Phố đi bộ hồ Gươm.
Phố đi bộ hồ Gươm.

Đến nay, phố đi bộ hồ Gươm vẫn luôn là địa chỉ hấp dẫn của người dân Hà Nội dịp cuối tuần. Tuyến phố này hội tụ đủ mọi thứ, từ không gian đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực đến trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Không chỉ có vị trí đắc địa, tuyến phố đi bộ hồ Gươm còn tập trung cảnh quan, danh lam thắng cảnh, cụm di tích… Những dịp cuối tuần đều có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các chương trình, sự kiện được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có sự phối hợp giữa các đơn vị và chính quyền địa phương.

Còn trong các tuyến phố đi bộ mới mở gần đây, khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) bước đầu cũng thành công, nhờ lấy ẩm thực là nền tảng phát triển chủ đạo. Đối lập với không khí sôi động tại phố đi bộ quanh hồ Gươm, đầu năm 2023, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) tạm đóng cửa do “ế” khách.

Để tuyến phố đi bộ trở thành không gian sáng tạo và văn hóa ảnh 1

Phố đi bộ hồ Gươm.

Một trong những nguyên nhân là do tuyến phố chưa xác định chủ đề, chức năng và nhiệm vụ rõ ràng. Ngoài ra, dù là tuyến phố có vị thế hợp lý, không gian đẹp nhưng chưa hấp dẫn, chưa tạo ra các dịch vụ thương mại phục vụ nhân dân; chưa bảo đảm đồng bộ việc đi chơi thư giãn của người dân với các nhu cầu văn hóa khác.

Mỗi tuyến phố đi bộ khi mở ra đều căn cứ trên những giá trị đặc trưng và mục tiêu hướng tới. Để phát triển các phố đi bộ hiệu quả, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể nhằm tạo ra sự khác biệt và đặc trưng cho từng tuyến phố. Đó là xác định rõ chủ đề và chức năng của mỗi tuyến phố, nhằm thu hút người dân và du khách; tăng cường các hoạt động văn hóa, điều chỉnh mô hình quản lý để tránh hiện tượng lấn chiếm không gian và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu phố đi bộ. Việc bố trí bãi đỗ xe và phương tiện giao thông công cộng cũng cần được cải thiện để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các tuyến phố này…

Ngoài ra, để phố đi bộ không trở nên vắng vẻ, công tác truyền thông cần tốt hơn để người dân và du khách biết đến các hoạt động. Bằng cách này, các phố đi bộ không chỉ thu hút du khách mà còn trở thành không gian sống văn hóa, giao lưu thú vị cho cộng đồng