Sự kiện còn có sự tham gia của các khách mời đến từ một số ngành, Trung ương, cùng lãnh đạo các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, doanh nghiệp và người dân,…
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự án Vành đai 3 không chỉ góp phần phát triển giao thông liên vùng, kinh tế-xã hội mà còn góp phần phát triển nền thể chế-đó là thể chế vùng.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng là không thể thiếu. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng để bảo đảm dự án sớm được triển khai chính là cơ chế giải phóng mặt bằng.
Theo TS Dũng, thực tế cho thấy, chúng ta đang chủ yếu căn cứ vào loại đất để đề ra mức giá bồi thường. Đất nông nghiệp, đất rừng sẽ được đền bù thấp hơn rất nhiều so đất thổ cư. Với mức đền bù như vậy, nhiều khi người dân sẽ rất thiệt thòi. Đây cũng là lý do dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
“Xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất đai là không hoàn toàn hợp lý. Thí dụ, đất chung quanh Hồ Tây của Hà Nội cho dù là đất nông nghiệp, thì đề bù với giá đất nông nghiệp chắc chắn không một người dân nào chấp nhận. Nên chăng, lần này bên cạnh loại đất, thì vị trí đất cũng cần được xem xét để xác định giá đền bù cho dân. Nếu cơ chế này được giải quyết, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất của dự án Vành đai 3 chắc chắn sẽ cao hơn”, TS Dũng nhấn mạnh.
Chủ đầu tư triển khai công tác cắm ranh, mốc tại các khu vực dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, chia sẻ bài học từ Nhật Bản cho thấy, hiện nay, cao tốc hướng tâm và Vành đai vẫn được chính quyền Tokyo - Nhật Bản quan tâm vì lợi ích xã hội cao khi tăng tính liên kết vùng được kết nối.
Bên cạnh đó, lợi ích giao thông phải đặt trên lợi ích bất động sản, các khu đô thị mới phải xa trung tâm, chuyển ra các đường Vành đai, cao tốc. Thực tế ở một số nước, khi thu hồi đất chính quyền mạnh dạn thay đổi quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, bán đấu giá giao cho nhà đầu tư diện tích lớn để xây dựng khu đô thị.
Thông tin tiến độ của dự án Vành đai 3 đến thời điểm này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, hiện tại các địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai các công việc tiếp theo phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; công tác tuyên truyền cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức.
Hiện, các cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hoàn thành mục tiêu gần nhất là phê duyệt Dự án đầu tư vào đầu tháng 12/2022. Sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai ba nhóm công việc chính:
Một là, chuẩn bị thiết kế, dự toán, bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 6/2023.
Hai là, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự kiến tháng 6/2023 bồi thường xong 70% đất trong dự án và hoàn thành bàn giao mặt bằng vào tháng 12/2023.
Ba là, phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An triển khai đồng bộ thiết kế kỹ thuật cũng như đáp ứng tổng tiến độ chung mà Thủ tướng đã giao, theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ.