Kết nối hệ thống xe buýt với tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên

Để chuẩn bị cho tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên vận hành thương mại vào năm 2023, ngay từ bây giờ việc quy hoạch và đầu tư các tuyến xe buýt để kết nối với các nhà ga của tuyến Metro này là hết sức cần thiết. Điều này nhằm thu hút người dân tiếp cận và sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận tiện nhất.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 20km đã hoàn thiện, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 20km đã hoàn thiện, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Nhìn hệ thống đường ray xuyên suốt nằm trên cao của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên, chị Nguyễn Thị Nhung, nhà ở ngã tư Bình Thái, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức thắc mắc: “Nếu tuyến Metro này đi vào vận hành, hành khách xuống ga rồi di chuyển như thế nào để đến các khu vực dân cư, phương tiện nào sẽ trung chuyển hành khách đến những địa điểm mà họ muốn đến?”. Thắc mắc của chị Nhung cũng là câu hỏi đặt ra của rất nhiều người đang trông chờ tuyến Metro đầu tiên của thành phố đi vào vận hành trong năm 2023 như kế hoạch. 

Với chiều dài gần 20 km, tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên chạy dọc Xa lộ Hà Nội có ba ga ngầm và 11 ga trên cao trong hành trình. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến xe buýt của thành phố nằm dọc Xa lộ Hà Nội chỉ đơn thuần để đón trả khách theo nhu cầu lưu thông hiện hữu mà chưa được kết nối vào các nhà ga của Metro. 

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàn cho biết: Mới đây, Sở Giao thông vận tải đã trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức, với nguồn kinh phí gần 94 tỷ đồng. 

Cụ thể, thành phố sẽ lập các trạm dừng đỗ xe buýt chung quanh các nhà ga để trung chuyển hành khách, bao gồm: ga Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Suối Tiên. Đại diện Sở Giao thông vận tải cho hay, theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến Metro số 1, lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga rất lớn (hàng trăm nghìn lượt hành khách mỗi ngày), vượt quá mức độ phát sinh nhu cầu trong khu vực lân cận các nhà ga (trong bán kính đi bộ 500m). 

Bên cạnh đó, mức độ phân bố và phát triển dân cư như hiện nay của thành phố sẽ không phát huy hết khả năng vận hành của tuyến Metro số 1. “Nhằm thu gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga của tuyến Metro số 1 tới các khu vực lân cận và ngược lại rất cần có sự hỗ trợ của phương thức vận tải xe buýt. Việc kết nối các nhà ga của tuyến Metro số 1 với tuyến buýt trục chính, tuyến buýt nhánh và tuyến buýt gom còn tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức”, ông Lê Hoàn nhấn mạnh.

Một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản được Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh công bố cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt gom có thể sẽ giúp tăng lượng khách của tuyến Metro số 1. Trường hợp có mạng lưới buýt gom thì lượng khách là 110.000 lượt hành khách/ngày, tương đương mức tăng 62% so với trường hợp chưa có kết nối. 

Đây là mức tăng trưởng rất lớn, khẳng định tầm quan trọng của việc sớm nghiên cứu triển khai ngay dự án tăng cường kết nối và tiếp cận dọc hành lang tuyến Metro số 1 ngay từ thời điểm vận hành, để khi tuyến Metro này đi vào vận hành sẽ mang tính đồng bộ. 

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố, vì đây là bước triển khai kết nối tuyến Metro số 1 với mạng lưới xe buýt thành phố. Tuyến Metro số 1 cũng sắp vận hành nên Hội đồng nhân dân thành phố cần sớm phê duyệt nguồn kinh phí từ ngân sách thì mới mong kịp tiến độ thực hiện. Việc đầu tư hệ thống mạng lưới xe buýt này, không chỉ giúp cho hành khách dễ dàng tiếp cận với Metro, ngược lại còn giúp  đồng bộ  việc quản lý  điều hành toàn bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố. 

Cũng theo ông Tính, Sở Giao thông vận tải nên tính toán và xem xét sáp nhập một số tuyến xe buýt chạy song trùng trên tuyến đường Xa lộ Hà Nội kéo dài đến Suối Tiên; kết hợp điều chỉnh các tuyến xe buýt chạy cắt ngang trục của tuyến này nhằm gom khách cho tuyến chính; đồng thời, sớm đồng bộ một hệ thống bán vé cho tất cả loại hình hành khách công cộng tiến tới hình thức thanh toán văn minh, hiện đại, bảo đảm người dân thành phố sử dụng phương tiện công cộng được thuận lợi và an toàn.