Vì một tương lai chuyển đổi
Năm 2023 là năm thứ tám kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7. Chủ đề của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023 là “Nâng tầm kỹ năng cho nhà giáo, người dạy nghề và thanh niên vì một tương lai chuyển đổi”. Từ đó, nhấn mạnh vai trò thiết yếu của nhà giáo, người dạy nghề và các nhà giáo dục khác trong việc trang bị kỹ năng cho thanh niên để chuyển sang thị trường lao động và tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng và xã hội.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu. Sự tham gia tích cực của lực lượng lao động này giúp cho xã hội phát triển, bảo đảm tính bao trùm, ổn định và bền vững, giảm bớt những khó khăn, thách thức từ sự tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột và di cư.
Thông điệp của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) về Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm nay là: Chúng ta hãy cùng định hình một tương lai tươi sáng hơn để thanh niên không bị bỏ lại ở phía sau.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kỹ năng nghề vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình đào tạo, là sức mạnh để cải thiện thế giới và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với người lao động nói chung và thanh niên nói riêng trong việc nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân làm tăng năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hợp tác quốc tế cùng với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Phát triển kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề cho thanh niên, luôn là sự quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, của Liên hợp quốc và các cơ quan, tổ chức quốc tế khác.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu. Sự tham gia tích cực của lực lượng lao động này giúp cho xã hội phát triển, bảo đảm tính bao trùm, ổn định và bền vững, giảm bớt những khó khăn, thách thức từ sự tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột và di cư. Chính vì vậy, tại phiên họp toàn thể vào ngày 18/12/2014, Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhất trí thông qua một nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15/7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day). Đây là được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm của toàn cầu đối với phát triển kỹ năng cho thanh niên.
Mục đích của sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức và thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng nghề phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội các quốc gia và toàn cầu; đồng thời sẽ góp phần giảm thất nghiệp và thiếu việc làm trong giới trẻ trên toàn thế giới.
Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia thành viên hằng năm tổ chức các hoạt động kỷ niệm và hưởng ứng sự kiện này.
Các sự kiện kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới từ năm 2015 đã tạo cơ hội đối thoại giữa thanh niên, các tổ chức giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng lao động, cơ quan đại diện người lao động, các nhà hoạch định chính sách và các đối tác phát triển về ý nghĩa ngày càng tăng của kỹ năng nghề trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang mô hình phát triển bền vững.
Ngày 18/12/2014, Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhất trí thông qua một nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15/7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day). Đây là được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm của toàn cầu đối với phát triển kỹ năng cho thanh niên.
Phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam trong tình hình mới
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm nay trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Vì vậy, cơ quan này đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai tới cộng đồng doanh nghiệp; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn có các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả nhằm hưởng ứng sự kiện này bám sát theo chủ đề trên với một số hoạt động cụ thể.
Trước hết, tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm... về đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên trong tình hình mới hiện nay.
Tiếp đó, xây dựng, đăng tải tin, bài, phóng sự, phim tài liệu... tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, phát động phong trào “Thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề trong người lao động thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động”. Đồng thời, phát hiện và kịp thời biểu dương, khen thưởng, vinh danh cá nhân, tập thể có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.
Từ năm 2020, ngày 4/10 hằng năm đã được chọn là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới.
Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7 năm nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai một số chủ trương, chính sách nhằm nâng tầm kỹ năng lao động cho người lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng nhằm đáp ứng việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì một tương lai chuyển đổi, giúp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tình hình mới.
Cụ thể, một số chủ trương, chính sách đã và đang thực hiện giúp nâng tầm kỹ năng cho người lao động nói chung và cho nhà giáo, người dạy nghề và thanh niên nói riêng vì một tương lai chuyển đổi như sau:
Một là, tăng cường thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 trụ cột hệ sinh thái kỹ năng nghề, bao gồm: Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề của người lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tuyển dụng, sử dụng lao động có kỹ năng nghề và nguồn lực kỹ thuật, tài chính giúp phát triển căn bản, toàn diện kỹ năng nghề cho người lao động, thanh niên.
Hai là, tăng cường chuẩn hóa kỹ năng nghề thông qua hoạt động ban hành, công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề, theo đó ban hành, công bố các nhóm năng lực cơ bản giúp người lao động, thanh niên được trang bị các kỹ năng cơ bản, nền tảng, nhất là các kỹ năng xanh, kỹ năng số vì một tương lai chuyển đổi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Các nhóm năng lực cơ bản bao gồm: ứng xử nghề nghiệp, thích nghi nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn lao động, rèn luyện thân thể, đạo đức nghề nghiệp.
Ba là, tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; nâng cao năng lực dự báo, thống kê về lao động có kỹ năng, nhất là những kỹ năng trong tương lai, những ngành, nghề mới; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định pháp luật.
Bốn là, đề xuất các giải pháp đồng bộ về giải pháp phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động với định hướng kết nối xuyên suốt từ giáo dục phổ thông, giáo dục sau phổ thông, trước và trong quá trình tham gia thị trường lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, chú trọng kỹ năng số, kỹ năng xanh trong lực lượng lao động.
Năm là, tham mưu phát triển Hội đồng kỹ năng nghề các cấp nhằm kết nối các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các đối tác liên quan từ cấp quốc gia, cấp ngành và cấp cơ sở trong việc đối thoại, phối hợp trong tham vấn, tư vấn và triển khai đồng bộ các chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề của lực lượng lao động theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Sáu là, xây dựng bộ chỉ số về phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động có thể so sánh với các quốc gia trên thế giới; đẩy mạnh thi kỹ năng nghề các cấp; bổ nhiệm các đại sứ kỹ năng nghề và tuyên truyền ngày kỹ năng thanh niên thế giới, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Từ năm 2020, ngày 4/10 hằng năm đã được chọn là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới.
Giáo dục nghề nghiệp hiện là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Về quy mô đào tạo, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011-2020 đạt 19,67 triệu người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người, chiếm tỷ lệ 9,8%, trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người, chiếm tỷ lệ 11,86%. Số học viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%. Từ năm 2021-2022, mỗi năm tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 2 triệu người.
Đến tháng 5/2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
- 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
- 1.205 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 63,8%) với 313 trường cao đẳng, 204 trường trung cấp, 698 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
- Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chiếm 64%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 36%; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành trung ương chiếm 25%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương chiếm 75%.