Đáp ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế

NDO - Trong năm 2023, giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh khoảng 2,29 triệu người. Cùng với đó, nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề lên ít nhất 5 bậc. Công tác tuyển sinh với những phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 của giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: GDVT)
Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 của giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: GDVT)

Vượt khó với tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

TS Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2022, cả nước tuyển sinh gần 2,26 triệu người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đạt 108,3% so với kế hoạch. Kết quả, có 2.096.000 người tốt nghiệp, đạt 115% so với kế hoạch.

Đây có thể coi là một năm vượt khó của giáo dục nghề nghiệp. Bởi trước đó, vào năm 2021, lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, khi chỉ tuyển được xấp xỉ 1,896 triệu người, đạt khoảng 80% kế hoạch.

Năm 2022, cả nước tuyển sinh gần 2,26 triệu người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đạt 108,3% so với kế hoạch.

Đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 410 trường cao đẳng, 437 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 683 cơ sở, chiếm 35,8%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định, tuyển sinh đào tạo vượt chỉ tiêu kế hoạch, với những phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 ban hành Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động đến năm 2030, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Thực hiện nhiệm vụ đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang chủ động triển khai các giải pháp, trong đó chú trọng tới hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp để giúp phụ huynh, người học hiểu hơn về nghề nghiệp, về ngành/nghề để lựa chọn phù hợp.

Không chỉ có vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn duy trì, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, và hơn nữa là để phụ huynh, người học nhìn thấy hiệu quả, đầu ra có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia ngay vào quá trình tuyển sinh, đặt hàng đào tạo, “đặt gạch” sinh viên tốt nghiệp, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm nguồn lực, có cơ hội đầu tư, tiếp nhận trang thiết bị đào tạo mới, công nghệ mới, tăng cơ hội cho học sinh, sinh viên tiếp cận với thực tế sản xuất sản phẩm.

Với mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề phục vụ các chương trình phục hồi kinh tế của đất nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tích cực, chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc của người lao động trong doanh nghiệp và thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng tích cực triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, đã có gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước. Trong đó, 88 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 35.000 lao động.

Triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước. Trong đó, 88 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 35.000 lao động.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh trong năm 2022 được duy trì, đẩy mạnh ngay từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến các ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh quy mô cấp tỉnh, cấp trung ương và đã thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, phù hợp, năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch khoảng 8,3%. Con số này góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ, qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong năm 2022, giáo dục nghề nghiệp cũng tổ chức nhiều hội thi, sự kiện lớn và đạt được kết quả, hiệu ứng tốt đối với toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp và xã hội.

Nổi bật có thể kể tới việc đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay ở đấu trường thế giới. Tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022 phiên bản đặc biệt, đoàn Việt Nam giành hai Huy chương Bạc ở các nội dung phay CNC và tiện CNC.

Đáp ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế ảnh 1

Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022. (Ảnh: Molisa)

Cùng với đó, còn có Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12, chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 kết hợp tôn vinh, khen thưởng 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu và 100 học sinh-sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022; Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII năm 2022; Cuộc thi Startup Kite 2022…

Công tác khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp được chú trọng nhiều hơn, với các hoạt động tạo sân chơi cho học sinh-sinh viên giáo dục nghề nghiệp tham gia khởi nghiệp, đưa nội dung khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình giảng dạy. Ngày hội khởi nghiệp quốc gia trong học sinh-sinh viên giáo dục nghề nghiệp cũng diễn ra thành công.

Gắn kết hơn đào tạo nghề với thị trường lao động

Trong năm 2023, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh hơn 2,29 triệu người, tăng khoảng 35 nghìn người so với năm ngoái. Cùng với đó, nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề lên ít nhất 5 bậc.

Để đạt mục tiêu này, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Trong năm 2023, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh hơn 2,29 triệu người, tăng khoảng 35 nghìn người so với năm ngoái. Cùng với đó, nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề lên ít nhất 5 bậc.

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau khi được phê duyệt) nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về giải pháp “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hướng dẫn địa phương, cơ sở phối hợp ngành giáo dục triển khai thực hiện Quyết định 552/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Song hành với đó, tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, cần quan tâm hơn tới thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững; tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm. Xây dựng dự báo về nhu cầu đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt các ngành nghề khoa học-kỹ thuật-công nghệ. Thu hút đầu tư, hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao.

5 dấu ấn giáo dục nghề nghiệp năm 2022

1. Thể chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và đi vào cuộc sống

Hệ thống văn bản thể chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang cho hoạt động quản lý của nhà nước cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rõ ràng, minh bạch.

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới". Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện các đề án giai đoạn đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…

Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 6/4/2022, về việc sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

2. Duy trì mô hình và tăng cường năng lực cán bộ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Theo Nghị định số 62/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiếp tục duy trì mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị hành chính giúp Bộ trong hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

3. Tuyển sinh đào tạo vượt chỉ tiêu kế hoạch, với những phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế

Năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch khoảng 8,3%, góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, cả nước có gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, 88 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 35 nghìn lao động.

4. Chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021, khoảng 95% doanh nghiệp FDI cho biết, chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu, 58% doanh nghiệp FDI đánh giá lao động là hoàn toàn và đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI tin tưởng về tình hình cải thiện chất lượng lao động trong tương lai. Trên thang điểm 6, các doanh nghiệp FDI đánh giá về chất lượng giáo dục dạy nghề, với 4,4 điểm vào năm 2021 tăng 0,6 điểm so với kỳ đánh giá trước.

Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022 phiên bản đặc biệt, lần đầu tiên, đoàn Việt Nam giành 2 Huy chương Bạc ở nghề Phay CNC và Tiện CNC. Qua đó, một lần nữa khẳng định kỹ năng lao động Việt Nam tại đấu trường quốc tế.

5. Các hoạt động truyền thông, tôn vinh người dạy, người học góp phần lan tỏa giá trị, khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đoàn cán bộ quản lý và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã vinh dự cùng đại diện các nhà giáo trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp gặp mặt, trao đổi, thăm hỏi động viên và tặng quà.

Nhân kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10, tổ chức tôn vinh 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu và 100 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Nhiều hoạt động khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên được tổ chức sôi nổi. Đó là: Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12…