Khoảng 16% lao động toàn cầu ở tuổi thanh niên
Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tất cả các nước trên thế giới đều rất quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề; đặc biệt, kỹ năng nghề cho thanh niên luôn là sự quan tâm hàng đầu. Năm 2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua một nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15-7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day). Đây là được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm cụ thể hơn nữa của toàn cầu đối với đầu tư phát triển kỹ năng cho thanh niên.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu.
Sự tham gia tích cực của thanh niên vào phát triển bền vững là trọng tâm để có được xã hội mang tính bao trùm, ổn định và bền vững, để ngăn ngừa các thách thức và khó khăn đối với phát triển bền vững, bao gồm các tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột và di cư.
Tuy nhiên, trước xu hướng ngày càng tăng về số lượng thanh niên không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo trên thế giới, và thanh niên tiếp tục gặp vấn đề về chất lượng công việc thấp, sự bất bình đẳng của thị trường lao động, bấp bênh với sự thay đổi từ môi trường học tập sang môi trường công việc... mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do kỹ năng tay nghề của thanh niên còn hạn chế, chưa thích ứng với yêu cầu của thế giới việc làm. Điều này cho thấy, cần phải có sự đặc biệt quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm được Tổ chức Văn hóa, giáo dục và khoa học Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Văn phòng đặc trách thanh niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills) cùng tổ chức.
Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức. Các biện pháp phòng, chống và ứng phó với dịch Covid-19 đã dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) trên toàn thế giới, đe dọa sự liên tục của phát triển kỹ năng.
UNESCO hiện ước tính, gần 70% số người học trên thế giới bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học ở các cấp học. Suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 gây ra làm gia tăng thất nghiệp và thiếu việc làm, có thể tác động lâu dài đến sinh kế thiết yếu của người lao động, đặc biệt là các lao động trẻ.
Trong bối cảnh đó, để kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15-7-2020, UNESCO và Worldskills tổ chức chuỗi các tọa đàm trực tuyến về phát triển kỹ năng cho thanh niên kiên cường trong kỷ nguyên Covid-19 theo một số chủ đề.
Trước hết, đánh giá các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của đại dịch Covid-19 ở các bối cảnh quốc gia khác nhau.
Cùng với đó, chia sẻ các kinh nghiệm tốt từ các tổ chức TVET về cách thức đối phó với đại dịch.
Bên cạnh đó, đánh giá của doanh nghiệp và các bên liên quan về tác động của đại dịch đối với lĩnh vực của họ, những thay đổi về nhu cầu kỹ năng trong tuyển chọn lao động trong tình hình mới. Ngoài ra, ý kiến từ những người trẻ tuổi về các hy vọng, cơ hội và lo lắng về tương lai phía trước.
Đề xuất "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam"
Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28-5-2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 24), có yêu cầu đề xuất "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam".
Thực hiện nội dung này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình một số phương án chọn Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Phương án 1 đề xuất ngày 15-7, trùng với Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Lựa chọn này thể hiện sự cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đồng thời, hưởng ứng phát động phong trào về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên của Liên hợp quốc và Worldskills. Qua đó, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động về Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới với các quốc gia khác, bảo đảm yếu tố hội nhập quốc tế.
Phương án 2 chọn ngày 28-5. Đây là ngày Thủ tướng ký Chỉ thị 24. Ngoài ra còn có một số phương án khác.
Những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung triển khai nhiều hoạt động, ban hành các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kỹ năng trong kỷ nguyên số, thực hiện đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ… Đặc biệt, phát động phong trào thi đua rèn luyện tay nghề giỏi khắp cả nước. Các kỳ thi tay nghề từ cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương đến cấp quốc gia đã được tổ chức, thu hút hàng nghìn lao động trẻ tham gia tại mỗi kỳ thi.
Trong các kỳ thi tay nghề ASEAN, đoàn Việt Nam luôn nằm trong nhóm ba quốc gia hàng đầu. Còn tại các kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đã giành được nhiều chứng chỉ tay nghề xuất sắc, hai lần đoạt Huy chương Đồng. Gần nhất, đoàn Việt Nam giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.
Từ năm 2019 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang tiến hành nhiều hoạt động phong phú để hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới.
Trong năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới và triển khai thực hiện Chỉ thị 24.
Đó là các hoạt động truyền thông với thông điệp “Kỹ năng nghề cho thanh niên - Chìa khóa để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền và triển khai các hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 24. Nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, giá trị của kỹ năng nghề với mỗi cá nhân người lao động trong phát triển nghề nghiệp và thích ứng với thị trường lao động đang thay đổi trong tình hình mới và hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, truyền thông ý nghĩa, vai trò, giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy việc chuẩn hóa và công nhận kỹ năng nghề theo Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động thanh niên.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các chương trình - hình thức tổ chức đào tạo, tạo điều kiện cho thanh niên tham dự các khóa đào tạo để tham gia thị trường lao động, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp.
Phát động các phong trào “Thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp các doanh nghiệp để thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.