Theo TS Dương Hoa Xô Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thành phố, để lưu giữ nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế và khoa học, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố đã sưu tập, nhập nội các giống hoa bản địa và nước ngoài. Hiện, trung tâm có ba bộ sưu tập giống hoa, kiểng lá và rau, bao gồm 360 giống lan các loại. Bên cạnh công tác bảo tồn nguồn gen, trung tâm còn tập trung khai thác có hiệu quả nguồn gen này nhằm phát triển giống mới phục vụ nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Mặt khác, trung tâm đã xây dựng thành công quy trình nhân giống nhiều loại cây trồng khác nhau bằng phương pháp nuôi cấy mô…
Hiện, khu nuôi cấy mô tế bào thực vật có hơn 120 giống cây trồng gồm hoa lan, hoa nền, kiểng lá, dược liệu, cây ăn trái (chuối, dâu tây)… đang được nuôi cấy invitro (nuôi cấy mô và tế bào thực vật), có khả năng nhân giống 1,5 đến 2 triệu cây cấy mô/năm. Với quy trình nhân giống hiện có, trung tâm hoàn toàn có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu cung cấp cây cấy mô cho khách hàng trên quy mô lớn, cũng như thực hiện việc chuyển giao công nghệ về nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu.
Mới đây, Sở NN-PTNT thành phố cùng Bộ môn Di truyền - Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh ứng dụng phương pháp Dự đoán tuyến tính vô tư tốt nhất (BLUP) vào việc đánh giá di truyền cải thiện chất lượng đàn heo tại các trại quốc doanh và các trang trại trên địa bàn thành phố. Ðã có 13 nhóm heo giống có năng suất đặc biệt của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn được thực hiện chứng nhận theo phương pháp BLUP này. Ngoài ra, hợp tác xã Tiên Phong nhập 337 con heo giống từ Mỹ, Ca-na-đa, Ðan Mạch và Ðài Loan (Trung Quốc) để cải thiện giống hiện hữu.
Ðối với giống thủy sản, thành phố có nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật tạo ra đàn giống thủy sản đơn tính, cung cấp giống cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Cam-pu-chia. Nhiều doanh nghiệp còn cho hay, họ chủ động ứng dụng IoT và Bigdata (dữ liệu lớn) để sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ phù hợp với người dân Việt Nam. Cụ thể như: mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ tự động ứng dụng phần mềm Smart Agri tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, giúp tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư; hay tem truy xuất nguồn gốc thịt lợn do Hội Công nghệ cao phát hành đang có ảnh hưởng lớn trong xã hội, giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn khi mua thực phẩm sạch…
Với một nước sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm, rõ ràng giống cây trồng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, thành phố chọn mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống chính là ngành kinh tế đặc thù của ngành nông nghiệp. "Thành phố sẽ là nơi nghiên cứu, phát triển công nghệ mới và ứng dụng công nghệ sinh học về chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi như công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật, công nghệ gen, chỉ thị phân tử, công nghệ chỉnh sửa gen. Các giống cây trồng được thành phố xác định tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất là nhóm rau, hoa, cây kiểng, cây dược liệu. Ngoài ra, có thêm các nhóm cây ăn trái, cây công nghiệp, cây màu, cây lâm nghiệp tùy theo nhu cầu cụ thể của thị trường trong khu vực", Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Dương Hoa Xô cho hay.
Để khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố, TS Ðỗ Việt Hà đề xuất: "TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch các khu, vùng sản xuất giống cây trồng chất lượng cao với diện tích đủ lớn, xứng với tiềm năng; xác định các loại giống chủ lực có thế mạnh, ưu tiên giống bản địa có giá trị. Ðồng thời, có chính sách ưu tiên hơn nữa cho doanh nghiệp sản xuất giống như nhập công nghệ, giống quý, miễn giảm thuế bán giống, hỗ trợ tiền lương, hỗ trợ giới thiệu và bán hàng; ưu đãi cho chuyên gia, cán bộ kỹ thuật sản xuất giống…".
Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Ðông Nam Bộ Nguyễn Văn Thành đồng tình, TP Hồ Chí Minh cần có các chính sách về hỗ trợ giao thuê đất cho các doanh nghiệp, hỗ trợ 100% về lãi vay ngân hàng đối với ngành giống cây trồng; giảm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, thử nghiệm các giống cây trồng năng suất cao, phù hợp điều kiện của thành phố; thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố có tiềm lực lớn trong việc nghiên cứu khoa học về giống chất lượng cao theo hướng thương mại. Ðể xây dựng thành phố trở thành trung tâm giống, phải có khả năng cung cấp giống chất lượng cao khoảng 30% so với nhu cầu của vùng miền Ðông và Tây Nam Bộ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển giao quy trình chăm sóc theo hướng khoa học cho người nuôi.
"Muốn thực hiện hiệu quả mục tiêu này phải có sự phối hợp của "bốn nhà" gồm: nhà khoa học, nhà nông, Nhà nước và nhà đầu tư. Giống muốn phát triển từ gốc phải gắn với khoa học nghiên cứu; mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu, trung tâm, viện trường, đơn vị sản xuất. Do đó, phải thiết kế mối quan hệ giữa các đơn vị để lĩnh vực sản xuất giống là ngành kinh tế đặc thù của TP Hồ Chí Minh; hợp tác công tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.