Hưng Yên phát huy tiềm năng, lợi thế sau sáp nhập

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên giảm 1 xã, 1 phường, còn 6 phường, 9 xã. Quá trình triển khai bảo đảm dân chủ, công khai, đúng tiến độ, góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị tiếp xúc cử tri tổ dân phố phường Quang Trung phục vụ công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Hội nghị tiếp xúc cử tri tổ dân phố phường Quang Trung phục vụ công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Năm 1997, phường Quang Trung được thành lập trên cơ sở chia tách một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên nên 2 phường có nhiều nét tương đồng. Với yếu tố đặc thù Khu Di tích Phố Hiến được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, việc sáp nhập 2 phường góp phần bảo tồn di sản, truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương nói riêng và “Hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng”nói chung, đồng thời bảo đảm sự phù hợp về truyền thống, văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của khu vực; đáp ứng yêu cầu quản lý, tạo điều kiện để mở rộng không gian; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất, học tập, giao dịch hành chính, quản lý của chính quyền sau khi sắp xếp.

Cử tri 2 phường đồng tình ủng hộ phương án đặt tên sau sắp xếp là phường Lê Lợi bởi phù hợp các yếu tố lịch sử, địa danh đã có từ lâu và là tên gọi trước đây của khu vực 2 phường, hạn chế xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động và tránh lãng phí. Phường Lê Lợi sau sắp xếp có diện tích 1,43 km2, quy mô dân số là 18.564 người, nơi đặt trụ sở làm việc phường Lê Lợi (cũ), thành phố Hưng Yên.

Hưng Yên phát huy tiềm năng, lợi thế sau sáp nhập ảnh 1
Tuyên truyền cho người dân về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hưng Yên.

Căn cứ hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa trên địa bàn, ngày 24/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về phát triển thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2030, 100% các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hưng Yên là phường thuộc thành phố. Để thực hiện mục tiêu đó, việc huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng tiêu chí loại đô thị và tiêu chuẩn của phường thuộc thành phố theo quy định đang được ưu tiên tập trung.

Sáp nhập 2,49km2 của xã Phương Chiểu và xã Hồng Nam có vị trí địa lý liền kề, nhiều nét tương đồng, hướng đến cấu trúc là một phường thuộc thành phố, quận trong tương lai đáp ứng Quy hoạch tỉnh Hưng Yên, thành phố Hưng Yên và bảo đảm 100% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số để thành lập phường theo quy định. Việc đặt tên xã mới là Phương Nam kết hợp hài hòa về tên gọi của 2 xã trước khi thực hiện sắp xếp được cử tri đồng thuận.

Một phần thôn Phương Thông nằm tách biệt hoàn toàn với các thôn còn lại của xã Phương Chiểu, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước. Nhằm giải quyết dứt điểm bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền các xã, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, 0,05km2 diện tích tự nhiên của thôn Phương Thông được điều chỉnh về xã Liên Phương quản lý.

Mở rộng không gian phát triển

Thành phố Hưng Yên xây dựng đề án, kế hoạch chi tiết, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Là địa phương đầu tiên của tỉnh Hưng Yên thực hiện lấy ý kiến cử tri, công tác triển khai bài bản, thận trọng. Trưởng phòng Nội vụ thành phố Nguyễn Phúc Thọ chia sẻ, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tạo đồng thuận qua hệ thống loa phát thanh, tờ rơi, pano tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị, trên mạng xã hội… UBND thành phố lập chuyên mục riêng về sắp xếp đơn vị hành chính trên Cổng thông tin điện tử, người dân chỉ cần quét mã QR code là nắm bắt được toàn bộ tài liệu, thông tin liên quan.

Hưng Yên phát huy tiềm năng, lợi thế sau sáp nhập ảnh 2
Lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính.

Phòng Nội vụ thành lập nhóm zalo thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời để các xã, phường chủ động triển khai thuận lợi. Đội ngũ cán bộ cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, giải thích chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính là có lợi, có nhiều dư địa phát triển, quỹ đất lớn có thể thu hút đầu tư, tinh gọn bộ máy, có điều kiện tăng lương, thu nhập cho cán bộ, công chức để phục vụ dân tốt hơn. Một số trường hợp còn băn khoăn, cán bộ kiên trì giải thích thấu đáo. Các phường, xã tổ chức hội nghị mời các đại diện cử tri, hộ gia đình đến họp và thông tin về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Một số ý kiến bày tỏ lo lắng sáp nhập mất nhiều thời gian, công sức thay đổi giấy tờ, địa bàn rộng quản lý ra sao, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư…Sau khi được giải đáp thắc mắc và tuyên truyền, vận động, cử tri nhất trí cao sắp xếp đơn vị hành chính, điển hình là tỉ lệ cử tri phường Lê Lợi đồng tình ủng hộ đạt 100%.

Theo Chủ tịch UBND phường Quang Trung Nguyễn Quang Việt, ban đầu tâm lý chung của người dân mong muốn ổn định, nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích rõ, tiếp cận đầy đủ thông tin đã thấu hiểu, đồng tình ủng hộ. Với một phường đô thị lõi, diện tích nhỏ khó phát triển, quỹ đất hạn hẹp, sáp nhập với phường Lê Lợi mở rộng không gian, phát triển thuận lợi hơn, nhất là thương mại dịch vụ. Khối lượng công việc lớn, để bảo đảm quy trình và tiến độ đòi hỏi chủ động vào cuộc khẩn trương, quyết liệt. Các tổ lấy ý kiến cử tri nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát bám địa bàn, đến từng nhà phát phiếu, thu phiếu.

Ông Trịnh Xuân Thạo, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Điện Biên cho biết, sau khi lĩnh hội thông tin về chủ trương sáp nhập đã thông báo cho cấp ủy, phổ biến tại buổi sinh hoạt chi bộ, họp dân. Đa số người dân đồng tình, ban đầu chỉ một số ít còn băn khoăn đến trụ sở UBND phường mới xa hơn, ngại phải thay đổi giấy tờ, lâu nay quen với tên phường là Quang Trung và đề nghị việc giải quyết giấy tờ do thay đổi tên đơn vị hành chính cho dân thuận lợi, không phát sinh thủ tục hành chính phức tạp.

Bà Ngô Thị Nâu, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Hai Bà Trưng cho biết các đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực tuyên truyền, lan tỏa chủ trương và mong muốn các cán bộ sau sáp nhập đoàn kết, thống nhất, tiếp tục phát huy tinh thần vì dân phục vụ.

Sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng ít nhiều đến công tác bộ máy và hệ thống chính trị cơ sở, khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Chủ tịch UBND phường Lê Lợi Hoàng Đức Cường cho biết, thời gian đầu cán bộ, công chức không tránh khỏi tâm tư bởi môi trường làm việc đang ổn định, quen người, quen việc, ngay sau đó đã xác định rõ tư tưởng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới theo phân công của tổ chức, chất lượng công việc vẫn được bảo đảm.

Hưng Yên phát huy tiềm năng, lợi thế sau sáp nhập ảnh 3
Kỳ họp chuyên đề HĐND xã Phương Chiểu thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Thành phố Hưng Yên đang khẩn trương bố trí, sắp xếp, sớm ổn định bộ máy các phường, xã trong diện sắp xếp để đi vào hoạt động hiệu quả. Phương án bố trí, sắp xếp được chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán toàn diện, bảo đảm phù hợp, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ công chức, chú trọng bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín, kết quả công tác.

Sau sáp nhập địa bàn rộng hơn, dân số tăng đòi hỏi lựa chọn người đứng đầu hội tụ đủ tâm và tầm, có năng lực bao quát, điều hành. HĐND tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ công tác, tinh giản biên chế thuận lợi. Điều động, luân chuyển cũng tạo cơ hội cho cán bộ công tác ở môi trường mới năng động, nỗ lực nhiều hơn, bớt sức ì. Phương án đặt trụ sở đơn vị hành chính mới được bàn thảo kỹ lưỡng, đi đến thống nhất cao, cùng với đó quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức chuyển đổi giấy tờ liên quan đến thay đổi tên đơn vị hành chính.