Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phương thức dạy và học

Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới phương thức dạy và học, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục; hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tặng hoa và Bằng khen cho 2 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tặng hoa và Bằng khen cho 2 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

  1. Những kết quả ban đầu

Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đức Hào cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã tạo nên những chuyển biến lớn, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, dạy và học. Tất cả các phòng máy tính phục vụ dạy và học đã được kết nối mạng internet cáp quang tốc độ cao. Nhiều phòng học được trang bị tivi thông minh màn hình rộng, máy chiếu phục vụ công tác dạy và học. Lồng ghép việc giảng dạy với công nghệ STEAM, giúp học sinh có thể giải quyết được các bài toán khó cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan.

Nhiều trường đã triển khai, tổ chức nhiều cuộc thi trên internet, thu hút đông đảo học sinh tham gia như: Trạng nguyên tiếng Việt, cuộc thi Olympic tiếng Anh. Xây dựng Hệ sinh thái Giáo dục thông minh tại các cơ sở giáo dục, đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác. Phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học. Triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo dục-đào tạo. Tiếp tục sử dụng và khai thác hiệu quả Hệ thống “Quản lý văn bản và điều hành - Ioffice” liên thông 4 cấp. Hệ thống phòng họp trực tuyến, phòng họp không giấy tờ E-Cabinet và các phần mềm chuyên dụng...

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phương thức dạy và học ảnh 1

Học sinh trường phổ thông trung học Chuyên Hưng Yên học môn tin học.

Thực hiện Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 309/KH-UBND 19/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các đơn vị, trường học; nhất là các thiết bị máy tính, mạng đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

Các đơn vị, trường học đã thực hiện số hóa sổ liên lạc, học bạ điện tử trên hệ thống thông tin giáo dục Hưng Yên. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu học sinh, nhân sự-PMIS; thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo lên Trung tâm điều hành (IOC) của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên; triển khai ứng dụng eNetViet trên điện thoại của cán bộ, công chức, giáo viên, phụ huynh để nắm bắt, phân tích thông tin giáo dục trong chỉ đạo, điều hành.

Các phần mềm quản lý giáo dục được khai thác sử dụng hiệu quả như: Phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm hệ thống thông tin giáo dục Hưng Yên, phần mềm PCGD-XMC, phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm tổ chức thi online, phần mềm đào tạo bồi dưỡng trực tuyến (hệ thống LMS), hệ thống dạy học, họp trực tuyến MSTEAM.

Tại các cơ sở giáo dục, ngoài các hệ thống dùng chung, các đơn vị tự lựa chọn trang bị thêm một số phần mềm hỗ trợ quản lý nhưng vẫn bảo đảm kết nối được với cơ sở dữ liệu chung của ngành.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên tham gia thực hiện tích hợp một số hệ thống thông tin qua trục kết nối liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh Hưng Yên trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; phối hợp VNPT xây dựng Hệ thống Trung tâm điều hành giáo dục thông minh vnEdu-IOC tỉnh Hưng Yên, sẵn sàng tích hợp vào Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh, giúp xây dựng bức tranh tổng thể về công tác quản lý giáo dục, hỗ trợ ra quyết định điều hành dựa trên số liệu của ngành giáo dục.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục đào tạo đã mang lại những chuyển biến tích cực: Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã ủng hộ và đồng hành triển khai văn bản điện tử, chữ ký số và đóng các khoản thu trường học bằng hình thức trực tuyến “Không dùng tiền mặt”.

Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên đã thực hiện 100%. Hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nộp bằng hình thức trực tuyến đạt 99,4%.

Các thông tin trường dữ liệu được chia sẻ, trích xuất từ việc đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư lên hệ thống quản lý thi chính xác, an toàn. 100% trường học sử dụng biểu điểm trên máy, thực hiện học bạ điện tử đối với học sinh, 100% các trường từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dùng sổ liên lạc điện tử miễn phí để liên lạc, thông tin kết quả học tập với phụ huynh học sinh. 100% trường học, cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ học sinh củng cố, ôn tập kiến thức, chăm sóc trẻ và sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn thông qua ứng dụng Microsoft Teams, Google Forms, Zalo, YouTube...

Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện dạy tin học cho học sinh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, chỉ đạo các đơn vị, trường học thu phí không dùng tiền mặt và đôn đốc các đơn vị trường học phối hợp với công an triển khai cung cấp căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử cho cán bộ, giáo viên, học sinh đảm bảo 100% thông tin định danh cá nhân của học sinh, giáo viên trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo và được xác thực, định danh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông để cấp chữ ký số công cộng cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh từ lớp 11 trở lên.

Các đơn vị, trường học tăng cường triển khai phần mềm truyền thông giáo dục hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành ngành giáo dục-đào tạo EnetViet, quản lý hồ sơ sổ sách tích hợp chữ ký số và triển khai thí điểm học bạ số đối với cấp tiểu học. Ngành giáo dục, đào tạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin nghiên cứu giải pháp, xây dựng kế hoạch, triển khai hệ thống quản lý trường học: Xác thực thông tin giáo viên; Cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VneID trong năm 2024…

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Hiệu trưởng trường phổ thông trung học Chuyên Hưng Yên Nguyễn Văn Duy chia sẻ, điểm nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin của nhà trường là: Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp hướng dẫn học sinh ứng dụng môi trường mạng để học tập.

Giáo viên thường xuyên sử dụng máy chiếu, bảng tương tác, các thiết bị nghe nhìn và các phần mềm hỗ trợ dạy học Violet để triển khai dạy học, tăng cường hiệu quả bài giảng và đổi mới phương pháp dạy học. Khai thác và sử dụng phần mềm Testpro Engine trắc nghiệm, chấm bài thi trắc nghiệm trong các đợt kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, thi thử tốt nghiệp…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ nên các thiết bị công nghệ thông tin của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu trong quản lý, dạy và học; đội ngũ phụ trách công nghệ thông tin chưa đủ khả năng, chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Hơn nữa cơ sở dữ liệu còn nghèo nàn, việc chấp nhận chữ ký số chưa được rộng rãi, đơn cử như chữ số ở học bạ…

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy đổi mới phương thức dạy và học, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng của hệ thống giáo dục; hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giải pháp, trong đó tập trung thực hiện: Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây; bảo đảm kết nối Internet cáp quang tới tất cả các cơ sở giáo dục. Hình thành, phát triển hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lab) hiện đại, phòng Lab mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ học máy, công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực nghiên cứu, thực hành.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phương thức dạy và học ảnh 2

Trường tiểu học và trung học cơ sở Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Triển khai, thí điểm triển khai các mô hình dạy-học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục, gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thư viện điện tử trong các cơ sở giáo dục phổ thông; cổng thư viện số kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học; phát triển các phòng thí nghiệm ảo, các phòng thực hành và thực tập ảo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học.

Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách.

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Số hóa tài liệu, giáo trình. Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Sử dụng các công nghệ và nền tảng số hóa nhằm nâng cao chất lượng việc dạy và học, thay đổi toàn diện công tác quản lý và điều hành ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên. Hình thành hệ sinh thái giáo dục thông minh với sự tham gia của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh và học sinh, hướng đến tích hợp với hệ sinh thái công dân điện tử của tỉnh. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học…