Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về Đề án Phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng và công tác dân số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến.
Nguồn lực dành cho phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng và công tác dân số được ưu tiên đầu tư: Bố trí kinh phí cho tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế. Bố trí vốn đầu tư công trung hạn mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các trung tâm y tế tuyến huyện giai đoạn 2021-2025; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trung tâm y tế tuyến huyện. Phê duyệt dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng 40 trạm y tế xã và mua sắm trang thiết bị y tế cho 155 trạm y tế tuyến xã từ nguồn ngân sách…
Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đang được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã tạo nên những chuyển biến tích cực cho y tế cơ sở.
Ở các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trạm y tế đều được đầu tư củng cố các điều kiện để bảo đảm đạt chuẩn tiêu chí về y tế.
Tại Trạm y tế xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, y sĩ Nguyễn Thị Huyền cho biết: Từ khi trạm y tế địa phương được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, tỷ lệ người dân trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế tăng cao. Khi bị bệnh, người dân đã ra trạm y tế xã khám và được cấp thuốc điều trị; mỗi tháng trạm tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì và thực hiện triển khai một số kỹ thuật mới được thanh toán bảo hiểm y tế, như: chọc hút tế bào, sinh thiết; phối hợp với bệnh viện tuyến trên làm các xét nghiệm phát hiện sớm, sàng lọc ung thư, nội soi đại trực tràng, dạ dày nhằm phát hiện bệnh lý tiêu hóa, viêm loét, polyp, phát hiện sớm ung thư, đo loãng xương bằng phương pháp Dexa, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính...
Trung tâm thực hiện triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới, dịch vụ kỹ thuật cao được thanh toán bảo hiểm y tế để người dân trên địa bàn huyện và khu vực lân cận có thể sử dụng dịch vụ thuận tiện nhất trong chăm sóc sức khỏe. Trung tâm luôn có định hướng đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu…
Tính đến hết năm 2023: 100% trung tâm y tế huyện ở tỉnh Hưng Yên thực hiện 90% danh mục kỹ thuật của tuyến huyện; 100% trạm y tế xã thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,8% dân số; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi: dưới 19,4%; tuổi thọ trung bình đạt 75,50 tuổi ; tổng tỷ suất sinh đạt 2,3 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hiệu quả hoạt động mạng lưới cung ứng dịch vụ, trước hết là mạng lưới y tế cơ sở được đảm bảo. Mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; đa dạng hóa dịch vụ y tế, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ y tế tư nhân.
Đến nay, tuyến tỉnh có 2 bệnh viện đa khoa, 6 bệnh viện chuyên khoa, 4 trung tâm, 2 chi cục; tuyến huyện có 10 trung tâm y tế đa chức năng và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến tiếp tục được nâng cao. Quyền lợi trong khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng; có sự phối hợp, kết nối và lồng ghép tốt giữa các tuyến tỉnh và tuyến huyện; tăng cường sự hỗ trợ của các bệnh viện Trung ương; phối hợp chặt chẽ giữa dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và dịch vụ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phát huy vai trò của các đơn vị y tế chuyên sâu, y tế kỹ thuật cao trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho toàn mạng lưới cung ứng dịch vụ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết; trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ngành y tế sẽ: Tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế các tuyến; đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở… Nhất là năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ y tế với Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2024-2030 với nhiều nội dung; trong đó trọng tâm chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật y học thực hành, bao gồm các lĩnh vực: Tim mạch và tim mạch can thiệp; Tiết niệu và Lọc máu; Hồi sức cấp cứu, Chống độc; Thần kinh, Cơ xương khớp; Nội tiết, Tiêu hóa, Hô hấp, Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Huyết học - Truyền máu, Phục hồi chức năng, Tâm thần, Ngoại khoa, Nhi khoa, Sản khoa, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh (MRI, CT scanner, điện quang can thiệp...), Xét nghiệm, Dinh dưỡng lâm sàng, Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và một số chuyên ngành lâm sàng và cận lâm sàng khác theo nhu cầu. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và marketing; hỗ trợ, tư vấn dịch vụ y tế kỹ thuật cao; tư vấn, hỗ trợ thành lập và triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao tại các đơn vị y tế tỉnh Hưng Yên…
Củng cố và phát triển hệ thống y dược học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền được quan tâm xây dựng ở cả tuyến tỉnh và cơ sở.
Tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế dự phòng, các đơn vị chuyên môn thực hiện theo dõi, giám sát dịch bệnh đúng quy định; công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch được tổ chức, thực hiện thường xuyên; các đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai theo quy định.
Sở Y tế tỉnh Hưng Yên thường xuyên thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, góp phần hạn chế vi phạm về an toàn thực phẩm…