Hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội

NDO - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội hiện nay gồm hơn 500 văn bản. Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng. Đồng thời, cũng phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nhất là trong tái cơ cấu sản xuất, góp phần trực tiếp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Sơn Nguyễn)
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Sơn Nguyễn)

Ngày 3/11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị nâng cao năng lực công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong nhiều năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và hiện nay là nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong ba đột phá chiến lược luôn được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo dựng hệ thống khung khổ pháp luật ngày càng hoàn thiện cho phát triển kinh tế bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, người dân.

Hiện nay, hầu hết tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có luật điều chỉnh (1 bộ luật, 9 luật, 2 pháp lệnh). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội gồm hơn 500 văn bản.

Trong giai đoạn hơn 10 năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm tốt việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về lao động, người có công và xã hội; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm công tác pháp chế, nhất là nhiệm vụ rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, hầu hết tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có luật điều chỉnh (1 bộ luật, 9 luật, 2 pháp lệnh). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội gồm hơn 500 văn bản. Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nhất là trong tái cơ cấu sản xuất góp phần trực tiếp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành.

Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách bài bản, hiệu quả. Trong đó, thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa yêu cầu, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, góp phần khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thi hành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm, tạo môi trường hành lang pháp lý thông thoáng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 được tập trung vào hoạt động phổ biến, giới thiệu chuyên đề “Nâng cao năng lực xây dựng và phổ biến pháp luật của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội”.

Nội dung này gắn bó chặt chẽ và góp phần thiết thực tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về lao động nói riêng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nâng cao nhận thức hiểu biết và thực thi pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.

Trong thời gian tới, để đưa cuộc sống vào chính sách pháp luật và đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ làm tốt một số nhiệm vụ. Đó là: Tập trung thực hiện tốt kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; Tập trung vào công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Ngày 9/11 được lấy là Ngày Pháp luật Việt Nam do đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua vào năm 1946.

Tư tưởng độc lập - tự do dân tộc trong Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khẳng định bằng Hiến pháp năm 1946. Ngày 9/11 hằng năm được ghi nhận là Ngày Pháp luật Việt Nam kể từ năm 2013 - khi Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật có hiệu lực.

Ngày Pháp luật Việt Nam là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.