Lao động làm việc tại các khu công nghiệp gia tăng cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp góp phần cho sự hình thành và phát triển của các gia đình công nhân tại khu vực này. Do đặc thù công nhân lao động tại đây phần lớn là lao động trẻ nên nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân ngày càng tăng.
Nhu cầu chính đáng
Mong muốn được gửi con vào các trường mầm non công lập là nhu cầu chính đáng của nhiều công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, nhất là người lao động có gia đình gần nơi làm việc, bởi điều kiện chăm sóc trẻ bảo đảm hơn các điểm trông trẻ tự phát tại nhà dân. Bên cạnh đó, tiền học phí, ăn uống cho trẻ hàng tháng phù hợp với thu nhập của người lao động.
Tuy nhiên, có một thực tế: Trường mầm non công lập lại không phải là lựa chọn hàng đầu của công nhân nhà xa, tỉnh ngoài, do các trường này hoạt động theo giờ hành chính khiến công nhân gặp nhiều khó khăn khi họ thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ.
Con em công nhân lao động tại khu nhà ở công nhân Kim Chung. (Ảnh: Ý Yên) |
Trong khi đó, các trường mầm non tư thục có mức học phí cao so với khả năng chi trả của công nhân lao động. Chính vì vậy, đa số công nhân phải chọn giải pháp gửi trẻ tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn, hoặc đưa con về quê gửi ông bà, họ hàng.
Trưởng ban Nữ Công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân cho biết: Số con theo cha mẹ đến các khu công nghiệp có xu hướng gửi tại các nhà trẻ tư nhân nơi điều kiện và không gian hạn chế.
Số người trông trẻ phần lớn không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm, ít có sự đầu tư trang thiết bị nuôi dạy trẻ, chủ nhà không có việc làm, không có chuyên môn, thậm chí lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ.
Việc thu học phí thấp dẫn đến chất lượng bữa ăn thấp và điều kiện phục vụ chưa bảo đảm, các cháu chỉ biết ăn và ngủ, không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình; đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra như: đánh đập tàn nhẫn, đối xử thô bạo, bất cẩn làm chết trẻ… từ người trông giữ trẻ tại các nhóm trẻ tư nhân.
Bước đột phát trong chăm lo con công nhân, lao động
Có thể thấy, trước khi Bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể nào hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại nơi có nhiều lao động và tại các khu công nghiệp.
Kể từ khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành, một số chính sách đặc thù liên quan đến cải thiện điều kiện chăm lo, hỗ trợ, giáo dục con công nhân đã được Chính phủ cụ thể hóa và triển khai trên thực tế.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020, quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Trong đó, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp - nơi có nhiều lao động; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, lao động làm việc tại các khu công nghiệp;
Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp nơi có nhiều lao động; Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Có thể thấy, đây là những chính sách phù hợp, có ý nghĩa rất lớn và thiết thực với đời sống người lao động, là động lực, bước đột phá rất lớn về chính sách chăm lo cho con công nhân lao động của Nhà nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã quan tâm đến công tác quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non.
Nhiều đề án, chính sách của địa phương thúc đẩy đầu tư, huy động nguồn lực phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Nhiều công nhân lao động vui mừng cho biết, với mức hỗ trợ hằng tháng sẽ giúp có thêm kinh phí chăm sóc con. Bên cạnh đó, đối với giáo viên đây là một nguồn động viên lớn để họ yên tâm gắn bó với công việc của mình. Việc cơ sở mầm mon được nhận khoản tiền hỗ trợ sẽ giúp các cơ sở có thêm kinh phí sửa chữa, đổi mới trang thiết bị, đồ chơi để giáo dục, chăm sóc các cháu được tốt hơn.
Cần bình đẳng trong hưởng thụ chính sách
Tại chương X, Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định: Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ (không phân biệt công nhân lao động trong hay ngoài khu công nghiệp); người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.
Hiện nay, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa...
Tuy nhiên, những quy định này vào cuộc sống triển khai vẫn chưa theo kịp nhu cầu của thực tiễn.
Tại Điều 8, Nghị định 105/2020/NĐ-CP, quy định chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; Điều 81, Khoản 3 tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quy định: Trẻ em mầm non là con của người lao động làm việc tại nơi có nhiều lao động được hưởng chính sách như đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp quy định tại Điều 8 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Trên thực tế, hầu hết các địa phương tuân thủ triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Điều 8, Nghị định 105 là hỗ trợ cho con công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, chưa áp dụng chính sách hỗ trợ cho con công nhân lao động làm việc tại nơi có nhiều lao động (các cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao…).
Các cô giáo Trường Mầm non Hoa Sen, xã Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang chăm lo bữa ăn bán trú. (Ảnh: Khôi Nguyên) |
Về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai Trần Thị Hồng Thảo cho rằng: công nhân lao động làm việc tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp đều là đối tượng công nhân. Nhưng con của công nhân làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ chính sách, còn con của công nhân làm việc tại cụm công nghiệp thì lại không được hỗ trợ, dẫn đến không công bằng cho các đối tượng có cùng điều kiện.
Do đó, bà Thảo kiến nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng chính sách được hỗ trợ chính sách mầm non giáo dục theo hướng đối tượng dù là giáo viên mầm non đang làm việc cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục và con của công nhân lao động ở cụm công nghiệp hay khu công nghiệp đều được hưởng chính sách hỗ trợ.
Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Cũng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 9 tháng.
Trong khi đó, giáo viên nghỉ hè 4 tháng nhưng vẫn làm việc, thực hiện các công việc hành chính, chuẩn bị dụng cụ học tập để dạy học…
Ngoài đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ chính sách mầm non giáo dục là giáo viên mầm non đang làm việc cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục và con của người lao động ở cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam Phạm Thị Thu Giang đề nghị nâng thời gian hỗ trợ cho giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục lên 12 tháng thay cho 9 tháng như quy định. Do thời gian nghỉ hè 3 tháng, giáo viên vẫn phải làm nhiều việc để chuẩn bị cho công tác giảng dạy năm học mới.
Đối với quy định tại Điều 82 Nghị định 145 về giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động về chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương cho biết: Đa số các doanh nghiệp đã thực hiện hỗ trợ, tuy nhiên mức hỗ trợ chưa đồng đều. Có doanh nghiệp hỗ trợ lên tới 1 triệu đồng/cháu/tháng, trong khi có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ mức 20 nghìn đồng/cháu/tháng. Mức trung bình các doanh nghiệp hỗ trợ là từ 50 đến-100 nghìn/cháu/tháng).
Con em công nhân cần một môi trường an toàn để người lao động an tâm lao động, sản xuất. |
Do đó, Phó trưởng Ban Nữ Công Tổng Liên đoàn cho rằng, tổ chức Công đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ để đề nghị doanh nghiệp thực hiện chính sách trong trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện; hoặc đề nghị tăng mức hỗ trợ nếu doanh nghiệp thực hiện quá thấp so với mặt bằng chung.
50 tỉnh ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chi tiết mức trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân.
Đa số các tỉnh thực hiện theo mức tối thiểu quy định tại Nghị định là 160 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Năm học 2022-2023, toàn quốc có gần 200 nghìn trẻ em đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Các tỉnh/thành phố đã chi trả số tiền gần 160 tỷ đồng.