Hơn 300 doanh nghiệp ở Thái Bình gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

NDO - Để nắm rõ tình hình lao động và việc làm từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát tại các doanh nghiệp, Hợp tác xã kịp thời hỗ trợ phục hồi sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Đời sống của người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình gặp khó khăn.
Đời sống của người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình gặp khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1 khu kinh tế, 9 khu công nghiệp với 218 dự án của doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 76 nghìn lao động, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó lao động trong các doanh nghiệp FDI là 36.300 người.

Toàn tỉnh có 467 mô hình hợp tác xã (hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, nghề muối, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân). Tổng số lao động làm việc trong các mô hình hợp tác xã là 6.659 người, bình quân 19 lao động/mô hình, chủ yếu trong các tổ, đội dịch vụ thủy nông, cung ứng vật tư nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm nay đã có hơn 300 doanh nghiệp (quy mô sử dụng 104 nghìn lao động) gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho nhiều do đơn hàng bị hủy, cho nên doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động để điều chỉnh giờ làm.

Có 127 doanh nghiệp với 6.630 lao động bị ảnh hưởng, trong đó đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với 4.160 người, cho 320 người ngừng việc, giãn giờ làm 2.150 lao động. Doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng chiếm 67%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 33%; lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là trong lĩnh vực dệt, may, da giày chiếm khoảng 80%.

Hơn 300 doanh nghiệp ở Thái Bình gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh 1

Người lao động trong lĩnh vực dệt, may, da giày ở Thái Bình bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bên cạnh đó, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỉ lệ theo lương, trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động.

Qua theo dõi, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt, tái cơ cấu hoạt động, sắp xếp lại lao động, thay đổi mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, tiến hành tuyển dụng lao động có chọn lọc, sắp xếp lại ca kíp hợp lý, chia đều việc, duy trì các chế độ phúc lợi, trợ cấp cho người lao động để người lao động gắn bó làm việc với doanh nghiệp.

Hơn 300 doanh nghiệp ở Thái Bình gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh 2
Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình tư vấn, giới thiệu việc làm cho 509 lao động.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tăng cường hoạt động trao đổi, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; kịp thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực cho các doanh nghiệp.

Được biết, hiện nay, tỉnh Thái Bình tăng cường thực hiện đa dạng các hình thức thông tin về thị trường lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn học nghề và việc làm, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung cầu lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn.