Lãi vay cao, doanh nghiệp gặp khó khăn

Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang cần vốn cho hoạt động sản xuất thì việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay sẽ là “động lực” quan trọng giúp doanh nghiệp sớm phục hồi. Thực tế, các ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời nhiều ngân hàng triển khai các gói vay ưu đãi cho khách hàng vay mới trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi lãi suất cho vay đang ở mức cao. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi lãi suất cho vay đang ở mức cao. Ảnh: NGUYỆT ANH

Doanh nghiệp than lãi vay cao

Tại một showroom ô-tô ở TP Việt Trì (Phú Thọ), anh Ngô Quốc Chí - chủ đại lý than vãn về tình trạng ế ẩm khi vắng bóng khách mua xe. Anh nói: “Từ khi kinh doanh ô-tô, chưa bao giờ thấy thị trường ảm đạm như vậy”. Bình thường, showroom của anh bán hàng trăm xe mỗi tháng, bây giờ chỉ được vài chục xe, doanh số giảm 50%.

“Khi sản lượng thấp kéo theo tồn kho, chi phí tài chính tăng cao buộc các đại lý phải giảm giá, bán cắt lỗ, không có lợi nhuận, nguy cơ thua lỗ”, anh Chí nói và cho biết, từ cuối năm 2022, hạn mức tín dụng siết chặt, lãi suất tăng, khách hàng mua xe phải trả lãi suất 12-15%/năm, lại thêm vướng mắc về thủ tục xét duyệt, làm cho tâm lý khách hàng thận trọng hơn.

Bên cạnh đó, người dân hiện nay thắt chặt hầu bao do những lo ngại về kinh tế ảm đạm, lãi suất tăng. Vì vậy, dù có tiền mặt nhưng người dân thường để làm việc khác hoặc gửi tiết kiệm cho yên tâm, khiến nhu cầu đổi xe mới, mua xe thu hẹp lại.

Thời gian qua, nhiều người dân và doanh nghiệp “choáng váng” khi nhận được thông báo lãi suất khoản cho vay “đội” lên rất cao, lên tới gần 10%/năm. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, doanh nghiệp cho biết sẽ không trụ vững được, hết khả năng cầm cự, có đơn vị tính chuyện “bán mình” để trả nợ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay, đầu năm 2023 đến nay, hầu hết doanh nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm duy trì tốt sản xuất. Tại các nhà máy, âm thanh của máy móc chạy rền vang. Các tổ máy đã “phủ kín” công nhân, làm việc hết công suất để trả hết đơn hàng cũ trong tháng 4.

Tuy nhiên, bà Chi cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp thực phẩm chưa dám nhận đơn hàng mới bởi vì biên lợi nhuận đang “cực kỳ thấp” do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào, điện - nước đều tăng. “Với lãi suất cho vay hơn 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi”, bà Chi nói.

Theo bà, một vài doanh nghiệp lớn có thương hiệu hàng chục năm trong ngành gần đây đã phải chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. “Điều này rất đáng báo động, bởi không ai muốn “bán mình” cho đơn vị khác. Chúng tôi cần chính sách được hỗ trợ về lãi suất để yên tâm làm ăn”, bà đề xuất.

Về các giải pháp, theo bà Chi có thể giảm lãi suất; giãn thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp; hoặc tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 8% cho tất cả ngành kinh tế năm nay.

Đối với ngành dệt may, hiện nay có 23% số doanh nghiệp thành viên hiện sản xuất tương đối ổn định, còn 46% gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp trong ngành dệt may hiện đang thiếu dòng tiền trầm trọng, nhưng vẫn phải bảo đảm trả nợ vay, duy trì các khoản chi phí.

Ngoài lãi suất cao, theo ông Việt, các ngân hàng thương mại hiện đưa ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp chưa thiết thực, các điều kiện cho vay quá chặt, trong khi đó, lợi nhuận trên đơn hàng sụt giảm, tiền đồng giảm giá nên xuất khẩu gặp bất lợi.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cũng cho hay, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hiện nay rất mong muốn được giảm lãi suất. Bởi lẽ, doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khá gay gắt. Họ buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp rất ít, chỉ mong được giảm lãi vay.

“Hầu hết các doanh nghiệp phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn”, ông Trần Việt Anh cho biết.

Giải pháp nào?

Liên quan đến câu chuyện lãi suất cho vay, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện lạm phát tăng, lãi suất cao sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ rất khó tồn tại. Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Chưa kể, đây là thời điểm tiền khó, nên doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải tính đến trường hợp này.

“Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Cần đẩy mạnh giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, cấu trúc thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông nói.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, cả bốn ngân hàng quốc doanh (Big4) đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Mới nhất, VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng sáu tháng qua.

Vietcombank cũng cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. Thời gian từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Cũng áp dụng đến hết 30/4/2023, BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới sáu tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 16/2 thông báo lãi suất cho vay bất động sản có thể được điều chỉnh giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.