Cùng suy ngẫm

Chủ động trước tình trạng người lao động mất việc dịp cuối năm

Thời điểm cuối năm, dù khó khăn về đơn hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì không cắt giảm lao động, thậm chí đã có kế hoạch công bố tiền thưởng Tết dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, một số doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh phía nam, lại cho công nhân nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động cùng một lý do: thiếu đơn hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm nay, dự báo tình hình quan hệ lao động sẽ có những biến động căng thẳng, phức tạp hơn do hệ lụy của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực chi phí sản xuất do giá xăng dầu tăng giá, thiếu đơn hàng do tình hình châu Âu bất ổn, lo lương tháng thứ 13, thưởng Tết.

Cộng thêm đó là việc tăng lương tối thiểu vùng. Tất cả những lý do nêu trên khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn thật sự, buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên, đóng dây chuyền, thậm chí chấm dứt hợp đồng với hàng nghìn công nhân, lao động cùng một lúc.

Các chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng, một số doanh nghiệp không thật sự khó khăn cũng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc đóng dây chuyền sản xuất để “né” trả lương, thưởng hoặc phải trả lương theo lộ trình tăng lương tối thiểu vùng, đúng vào thời điểm cuối năm. Có thể đây là những doanh nghiệp kiểu “nay thành lập, mai giải thể” làm ăn chụp giật, không tính tới đường trường nên không gắn bó với người lao động. Nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà xử tệ với người lao động là cách tự làm hại mình.

Khảo sát của các cấp công đoàn cho thấy, càng những ngày tháng cuối năm, công nhân lao động lại càng có nhu cầu tăng ca để có thêm thu nhập, mong có thêm đồng quà, tấm bánh, manh áo mới cho con thơ, cha mẹ già trong hành trang trở về ở quê hương sau một năm làm ăn xa. Tuy nhiên, đã có hàng nghìn công nhân, lao động tại các tỉnh phía nam buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không thể duy trì sản xuất.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều phương án, nhất là tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm ổn định tình hình, việc làm đời sống cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng cho đại bộ phận công nhân, lao động, sẻ chia kịp thời khó khăn cho những người bị mất việc làm.

Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, tổ chức công đoàn cùng đoàn thể khác theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; rà soát đơn đặt hàng, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ động trước tình trạng người lao động mất việc dịp cuối năm ảnh 1
Khảo sát của các cấp công đoàn cho thấy, càng những ngày tháng cuối năm, công nhân lao động lại càng có nhu cầu tăng ca để có thêm thu nhập, mong có thêm đồng quà, tấm bánh, manh áo mới cho con thơ, cha mẹ già trong hành trang trở về ở quê hương sau một năm làm ăn xa. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Nếu doanh nghiệp thật sự khó khăn, không thể duy trì sản xuất, cần nhanh chóng tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhất là lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, lao động có thâm niên cao, nhanh chóng ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện giám sát việc tham gia xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động nghỉ luân phiên, bảo đảm trả lương đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.

Giám sát doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động không? Có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động? Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn các Trung tâm Dịch vụ việc làm; giới thiệu việc làm của tỉnh, thành, tổ chức công đoàn nhanh chóng, thường xuyên tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung, cầu lao động.

Tổ chức công đoàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn; vận động các doanh nghiệp sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động; phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phù hợp tình hình thực tế; yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố công khai kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của doanh nghiệp và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động biết.