Hơn 300 trang sách, độc giả dễ dàng rung cảm trước những dòng hồi ức giàu cảm xúc, sống động, qua đó thấy được hình ảnh một người phụ nữ kiên cường với vai trò người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ trung kiên trong thời chiến và người nữ cán bộ tâm huyết, tài năng trong thời bình.
Từ những trang hồi ức dang dở
Khoảng năm 1992, sau khi nghỉ hưu, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết những trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ cho những người con yêu quý của bà. Anh Lê Thái Hỷ, một trong ba người con của bà Đỗ Duy Liên cho biết, bà âm thầm viết mà không cho ai hay. Mãi về sau, gia đình mới biết quyển hồi ức được bà đánh số 1.
“Mẹ tôi dự định viết năm phần và bà đã viết hết phần 1 (Tuổi thơ và bước đường không lớn), và phần lớn phần hai (Đi kháng chiến). Có lẽ do sức khỏe giảm sút không cho phép mẹ tôi viết tiếp và hoàn thành cuốn hồi ức như dự định” - anh Lê Thái Hỷ cho biết.
Từ những trang hồi ức dang dở, những người con của bà Đỗ Duy Liên đã cố gắng viết tiếp những phần còn lại, chủ yếu dựa vào những gì được nghe bà kể, những bài viết của bà đăng trên các báo, sách, kỷ yếu và cả những quan sát, cảm nhận của những người con đối với mẹ mình.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, từng là Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ, đây có lẽ là cuốn sách lấy nước mắt của bà nhiều nhất.
Do bản thảo hồi ức chỉ là những phần tìm được còn dở dang, mới hoàn thành phần 1 cho nên bà đã trao đổi với gia đình tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bằng các bức thư “Mẹ viết cho ba”, bằng những trang viết tiếp “Các con nhớ về mẹ” và sau cùng là “Trong tình thương của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, các con gia đình liệt sĩ”.
Tuy không giữ lại được cấu trúc năm phần như dự kiến ban đầu, nhưng với kết cấu bốn phần đã tạo nên điểm độc đáo cho tập sách.
“Tập sách giờ đây không những đủ đầy, trọn vẹn dạng thức cần có của một hồi ức cá nhân mà còn làm giàu thêm cảm xúc người đọc không chỉ với cuộc đời của một nhân vật cụ thể mà còn phóng chiếu hình ảnh bi hùng, đẹp lãng mạn của người phụ nữ Việt Nam, của những nữ chiến sĩ cách mạng trong thời chiến”, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho hay.
Nói về cuốn “Hồi ức Đỗ Duy Liên-Cuộc đời của mẹ”, bà Quách Thu Nguyệt cho biết thêm, bà đã bật khóc khi đọc những lá thư bà Duy Liên viết cho người chồng đã mất ở phần 2 cuốn sách “Mẹ viết cho ba”.
Đó là những lá thư chan chứa yêu thương xen lẫn nỗi cô đơn, trống vắng của người vợ mất chồng trong chiến tranh. Người vợ, người mẹ ấy đã phải gánh cùng lúc hai vai, vừa là cha, vừa là mẹ, để làm tròn trách nhiệm của một cán bộ đảng viên được phân công của tổ chức, vừa phải thay chồng quán xuyến việc nuôi dạy các con nên người.
“Với tôi, đây là phần hay nhất của tập sách, bởi nó cho tôi có một góc nhìn khác về cô Tư Duy Liên: Một người vợ, một người mẹ rất… đàn bà, mềm mỏng, nhạy cảm, và vô cùng tinh tế”, bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Người phụ nữ đặc biệt
Viết lời giới thiệu cho cuốn sách về người bạn thân của mình, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước cảm nhận: “Những dòng hồi ức của Duy Liên… thật chân thực và vô cùng xúc động, nó phản ánh rất đúng về con người Duy Liên - một nữ cán bộ rất năng nổ, đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm, luôn sáng tạo và có phần táo bạo trong công tác; một người bạn sống giản dị, tình nghĩa; một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng, vì con. Trong sự nghiệp của mình, Duy Liên đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí cho người dân Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh...”.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, cuộc đời Đỗ Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ đã kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và trên hết là những mất mát không thể nói nên lời - của người mẹ xa con trong thời gian dài, của người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ - để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình.
Có mặt trong buổi ra mắt cuốn sách vào ngày 20/5 vừa qua, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thành phố, Nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ thành phố Nguyễn Thế Thanh cho rằng, bà Đỗ Duy Liên chính là người thầy của bà trên con đường làm nghề báo của mình.
Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Thế Thanh, trước khi được đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về báo chí ở trong nước và ở nước ngoài, bà Tư Duy Liên chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt bà. Bà Tư Duy Liên là người được giao trách nhiệm sáng lập báo Phụ Nữ Sài Gòn chỉ trong vỏn vẹn ba ngày (từ 17/5 đến 19/5/1975), đây là tiền thân của báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh sau này.
Bà Tư Duy Liên là người đặc biệt, luôn quan tâm, coi trọng lao động của mọi người làm việc chung với mình. Ở cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, bà đã để lại những dấu ấn không nhỏ trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Qua từng trang sách, người đọc có thể thấy được sức mạnh luôn chất chứa trong con người phụ nữ mềm mại mang tên Đỗ Duy Liên. Cội nguồn sức mạnh đó có thể là “Tình yêu thương”.
Tình thương của bà với người chồng mất sớm kéo dài mãi đến vài chục năm sau, qua những lá thư tha thiết bà viết cho ông; tình yêu thương đối với con ruột và rất nhiều người con liệt sĩ ở trường Lý Tự Trọng (những người thương quý gọi bà là “má Tư”); tình thương lớn với những số phận kém may mắn, như bà từng viết, mình “rất thích làm việc ân nghĩa, đem lại điều vui tươi cho mọi người”.
Và tình yêu nước nồng nàn đã giúp bà đứng vững trong những thời khắc thử thách nhất trong thời chiến và hoàn thành những công việc lớn lao trong thời bình.
Trong buổi ra mắt cuốn “Hồi ức Đỗ Duy Liên-Cuộc đời của mẹ” tại Đường Sách thành phố, gia đình đã dành trọn số tiền nhuận bút của cuốn sách để trao tặng cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồi côi thành phố, một trong hai tổ chức xã hội mà bà đã sáng lập và gắn bó suốt 20 năm sau khi về hưu. Đây cũng là tâm nguyện của bà, người phụ nữ luôn biết lắng nghe và san sẻ tình thương với mọi người, nhất là với những mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn.