Nhiều tiềm năng, lắm thách thức
Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành phố hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon được hình thành từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), quy mô thị trường tín chỉ carbon của Thành phố Hồ Chí Minh tương đối lớn, có giá trị lên đến 790 triệu USD. Trong đó, thành phố đang đầu tư triển khai các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon như: Dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, dự án nâng cấp đèn led hay dự án nâng cấp xe máy điện...
Tuy nhiên, thách thức hiện nay để hình thành thị trường tín chỉ carbon là khung pháp lý vẫn đang được xây dựng và hoàn thiện, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn vẫn đang được chỉnh sửa. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư tạo tín chỉ carbon chất lượng cao, bền vững còn hạn chế. Nhận thức của doanh nghiệp về thị trường carbon cũng chưa đầy đủ và đồng bộ.
Thực tế, việc kiểm kê khí nhà kính là hoạt động nền tảng để doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi xanh. Phải nắm được lượng phát thải thì doanh nghiệp mới có thể đề ra chính sách phù hợp. Theo Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), dự kiến số lượng các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2023 và năm 2024 (phải thực hiện và nộp trước ngày 31/3/2025) tại Thành phố Hồ Chí Minh là 157 cơ sở.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp khá nhiều khó khăn. Công tác quản lý chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và việc tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ, thống nhất bởi kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính là lĩnh vực mới, đòi hỏi cao về nguồn lực thực hiện.
Tiếp đó là khó khăn trong kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính mà doanh nghiệp phải đối mặt. Đơn cử như việc thu thập dữ liệu để tính toán lượng phát thải, đặc biệt là phạm vi 3 (Toàn bộ lượng khí thải nhà kính phát thải gián tiếp từ các hoạt động trong chuỗi giá trị). Muốn đánh giá chính xác, tổ chức phải thu thập dữ liệu từ nội bộ, nhà cung cấp, khách hàng và các bên liên quan. Đây là điều rất khó khăn và song song đó là sức ép về chi phí khi đầu tư vào nguồn nhân lực và hệ thống kiểm kê.
Triển khai đồng bộ giải pháp
Theo Thạc sĩ Đỗ Thị Ngọc Diễm (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), để tăng cường hiệu quả việc kiểm kê khí nhà kính, thành phố cần áp dụng đồng loạt các biện pháp. Trước hết, thành phố cần rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình hạ tầng, lồng ghép các vấn đề môi trường trong các quy hoạch, chiến lược.
Thành phố cần công bố bộ hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính để các tổ chức, cơ sở thực hiện kiểm kê; cần chỉ định rõ cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo kiểm kê khí nhà kính, quy định rõ thời gian thẩm định và phê duyệt báo cáo kiểm kê.
Tiếp đó, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới chuyển đổi thông minh phát thải khí nhà kính thấp. Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về kiểm kê khí nhà kính cho tổ chức, cơ sở, giúp tổ chức, cơ sở nâng cao năng lực kiểm kê khí nhà kính.
Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ cơ chế cho việc hợp tác về kiểm kê khí nhà kính giữa các tổ chức, cơ sở trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho sự phối hợp xây dựng nền tảng công bố thông tin môi trường, thống nhất số liệu kiểm kê để thành phố xác định chính xác tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon.
Tại một hội thảo mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quy (Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ), đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, thực hiện các nội dung cần thiết liên quan trung hòa carbon và tiến tới chứng nhận tín chỉ carbon.
Mục tiêu trước tiên là áp dụng cho các sản phẩm công nghiệp có mức phát thải ròng cao, sau đó áp dụng mức phát thải ròng với các sản phẩm khác thích ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế... nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tín chỉ carbon làm quen với thị trường này và từng bước thích nghi với thị trường quốc tế rộng lớn.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng và phát triển các khu vực cung cấp tín chỉ carbon thông qua các mô hình như: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh khu vực Củ Chi; thực hiện mô hình đô thị xanh ở Nhà Bè; bảo vệ, phát triển lá phổi xanh của Thành phố Hồ Chí Minh ở Cần Giờ và định hướng phát triển đô thị sinh thái tại nơi đây; xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, rộng hơn là khu công nghiệp, công nghệ xanh... bằng việc tận dụng không gian để gia tăng mảng xanh.
Đồng thời, thực hiện liên kết phát triển khu vực cung cấp tín chỉ carbon giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng cả hai cùng có lợi hoặc thông qua trao đổi cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển ở các thị trường khác nhau mà cả đôi bên cùng hướng đến, cùng có lợi.