Hoàn thiện cơ chế để thu hút dự án năng lượng tái tạo

Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn đang còn là những cụm từ chưa thật sự quen thuộc với doanh nghiệp.
Công nhân lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái ở thành phố Thủ Đức.
Công nhân lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái ở thành phố Thủ Đức.

Mới đây, tại Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư 2024-kỳ 2 với chủ đề: “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, phát triển kinh tế bền vững đang là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế này.

Thành phố cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thành phố xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính liên quan yếu tố “xanh”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo. Như vậy, thành phố đã có Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030, có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đây đều là những hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Theo đó, 14 nhóm nhiệm vụ chính của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh. Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của thành phố theo hướng bền vững và giảm các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia. Dù vậy, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn chưa phát triển, khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được, hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng. Không chỉ vậy, việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến các nhà đầu tư đều quan ngại. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, vì những rào cản chung của chính sách, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít thách thức. Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp trong việc tìm giải pháp để thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện hóa những quy định thúc đẩy thu hút đầu tư xanh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời. Tuy vậy, để tạo dựng sự an tâm cho các bên nhằm triển khai hiệu quả các dự án này, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn ở một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan nhà nước. Một trong những khó khăn là sự chậm trễ ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện các dự án điện mặt trời. Điều này, một mặt, gây khó khăn cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời, mặt khác lại tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, là đô thị đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thành phố cũng rất lớn. Tuy nhiên, với đặc thù về vị trí địa lý, địa phương này không có thế mạnh để phát triển nhiều loại hình năng lượng đang được sử dụng rộng rãi tại nước ta hiện nay. Với cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, thành phố định hướng sẽ phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải) trong tương lai gần. Ngoài ra, thành phố cũng đồng thời xem xét phát triển nguồn điện gió ngoài khơi khi các điều kiện kinh tế-kỹ thuật cho phép. Hướng đến mục tiêu này, thành phố và nhà đầu tư cần cùng nhau nghiên cứu và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để cùng thực hiện hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo.

Luật sư Nguyễn Đức Minh, Công ty Luật TNHH Kim&Chang cho rằng: Hiện nay, một dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định, phân tán tại nhiều luật khác nhau. Điều này vô hình trung gây nên sự khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai đầu tư, nhất là trong bối cảnh khung khổ pháp luật tại Việt Nam còn nhiều điểm chồng chéo và chưa theo kịp thực tiễn.

Thành phố Hồ Chí Minh với trợ lực từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 cần có những bước đi quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù. Thành phố cần sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo, cũng như có hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, quy trình thực hiện dự án.