Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng

NDO - Các tác phẩm nổi bật và cuốn sách về nghệ thuật của họa sĩ Phùng Phẩm sẽ được giới thiệu tới công chúng trong triển lãm diễn ra tại Thang Long Art Gallery, 41 Hàng Gai, Hà Nội, từ ngày 10-28/10. Trong đó, có những tác phẩm hầu như chưa từng được trưng bày rộng rãi trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng

Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932, năm nay 91 tuổi. Ông tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Từ lâu, tên tuổi ông đã gắn với với các tác phẩm sơn mài, khắc gỗ, đa dạng đề tài, thể loại, từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước...

Nhà nghiên cứu-phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhận định: "Nghệ thuật của Phùng Phẩm, từ tranh in khắc gỗ cho đến tranh sơn mài có một âm hưởng riêng, sức sống riêng, kỳ lạ. Có sự kế thừa từ Đông sang Tây, từ truyền thống Việt Nam sang ngôn ngữ hiện đại thế giới.

Các câu chuyện, chủ đề, con người đi từ lịch sử văn hóa Việt Nam, hay là những câu chuyện bản nguyên, muôn thuở của loài người được họa sĩ gửi gắm trên tranh, tôn vinh trong vẻ đẹp bền lâu, vĩnh hằng của nghệ thuật. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa cao quý của cuộc đời nghệ sĩ".

Suốt chặng đường sống và lao động nghệ thuật, Phùng Phẩm luôn âm thầm, miệt mài cống hiến. Với ông, nghiệp cầm cọ như là hơi thở, là cuộc sống, là hạnh phúc diệu kỳ. Trải qua nhiều thăng trầm của đời sống, ông chắt lọc để đúc rút: "Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi đi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, may ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực".

Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi đi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, may ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực.

Họa sĩ Phùng Phẩm

Họa sĩ Phùng Phẩm từng giành giải A triển lãm nghệ thuật đồ họa 1975-1985 tại Hà Nội, huy chương Vàng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 tại Hà Nội; Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam; tạo dấu ấn mạnh mẽ qua triển lãm cá nhân vào các năm: 2003 (nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội), 2006 (triển lãm "At the height of summer" tại Jee stone gallery, Hồng Kông-Trung Quốc), 2008 (nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội), 2023 (tại Thang Long Art Gallery, Hà Nội).

Chia sẻ về triển lãm tranh và cuốn sách của họa sĩ Phùng Phẩm, ông Nguyễn Đình Quang - đại diện Thang Long Art Gallery cho biết, mong muốn mang tới cái nhìn khái quát về cuộc đời cũng như quá trình sáng tác của họa sĩ là động lực để Ban tổ chức thực hiện chương trình ý nghĩa này. Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng tiếp nhận hai tác phẩm nghệ thuật từ châu Âu trở về của họa sĩ Phùng Phẩm là "Kiêu hãnh" và "Những nụ hôn tình yêu".

Họa sĩ Phùng Phẩm là một nghệ sĩ vượt qua nhiều nghịch cảnh của cuộc sống để kiên định đi trên con đường nghệ thuật, trung thành với quan niệm nghệ thuật của riêng mình. Nghệ thuật của ông bởi vậy mà độc đáo, có bản sắc riêng.

Một số tác phẩm nổi bật của họa sĩ Phùng Phẩm:

Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng ảnh 2

Chống hạn (2010), gò đồng, kích thước 113x133cm.

Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng ảnh 3

Đồng tiền Vạn Lịch (2009), sơn mài trên gỗ, kích thước 120x160cm.

Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng ảnh 4

Hai người thợ gặt (2006), sơn mài trên gỗ, kích thước 120x160cm.

Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng ảnh 5

Ngày chủ nhật (2010), sơn mài trên gỗ, kích thước 120x160cm.

Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng ảnh 6

Ngày mùa (2001), in khắc gỗ, kích thước 46x60cm.

Họa sĩ Phùng Phẩm và con đường thầm lặng ảnh 7

Cấy I (1991), in khắc gỗ, kích thước 46,5x56,5cm.