Sinh ra trong một gia đình lúc nào cũng tràn ngập bầu không khí nghệ thuật: cha là họa sĩ-nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh, mẹ là họa sĩ sơn mài nổi tiếng Mai Hiên, nhưng CAT cho biết cô thường bỏ qua những gì liên quan đến nghệ thuật. Chỉ có một thời gian rất ngắn hồi nhỏ, cô thích nặn tượng bằng đất nặn, và các “tác phẩm” thủa ngây ngô đã gây ngạc nhiên cho cha cô cũng như các đồng nghiệp của ông bởi sự khác lạ.
Nhưng thú vui nặn tượng đó cũng nhanh chóng biến mất khi CAT lớn lên. Cô hứng thú hơn với lĩnh vực tài chính, và đã đi du học cũng như làm việc ở nhiều nước trên thế giới về lĩnh vực này. CAT chia sẻ, cô như một người “ngoại đạo” đối với công việc nghệ thuật của bố mẹ, và chưa từng nghĩ mình sẽ có ngày cầm bút, cầm cọ. Việc duy nhất liên quan đến nghệ thuật mà cô làm cùng bố là quản lý tài chính, phối hợp sắp xếp các buổi trình diễn của bố.
CAT bên những bức sơn mài khổ lớn của mình. |
Cuộc sống cứ thế êm ả trôi đi. Ngay cả họa sĩ Đào Anh Khánh cũng không nghĩ rằng có một ngày cô con gái chỉ toàn số với toán của mình lại thả trôi mình vào nghệ thuật và vẽ, làm nhạc, làm thơ như “nhập đồng”. Cho đến năm 2021, khi CAT gặp một biến cố trong cuộc sống riêng, đẩy cô đến cảm giác đứng giữa lằn ranh sinh - tử. Sau một đêm tỉnh dậy, khi tâm trí đã bình tĩnh trở lại, việc đầu tiên cô nghĩ đến là cầm cây bút vẽ. Không phải bất cứ một loại bút màu nào hết, mà là một cây bút bi.
Bức "Ban trắng mẹ trồng" từ bút bi sang sơn mài. |
Hình vẽ đầu tiên của CAT là những khuôn mặt với chiếc mũ công chúa. “Tôi không có sự chuẩn bị nào hết, cứ vẽ từ trí tưởng tượng của mình ra thôi. Những bức vẽ biến đổi từng ngày. Và tới bức vẽ thứ 5, CAT gửi cho họa sĩ Đào Anh Khánh giữa đêm. Sáng sớm hôm sau, người cha thức dậy và “ngã ngồi xuống đất” vì quá bất ngờ. Ông trầm tư nói với cô con gái: “Con đã trở thành một nghệ sĩ rồi”.
CAT và bức "Ban trắng mẹ trồng". |
Trong suốt 1 năm ròng, CAT chỉ đắm mình trong những bức vẽ. Mỗi ngày cô vẽ tới 18 tiếng đồng hồ, mê mải, hối hả để bắt kịp những gì trí tưởng tượng trao cho mình. Những bức phác thảo ra đời liên tục, chỉ bằng bút bi. “Khi đó tôi không có tiền, nên vẽ bằng bút bi cho rẻ” - cô kể lại. Họa sĩ Đào Anh Khánh nhìn tranh bút bi của con thì bảo: “Sao con không làm màu lên cho đẹp”. Và thế là cô nàng tài chính lại sang mẹ hỏi cách làm sơn mài.
"Ban trắng mẹ trồng". |
Khỏi phải nói họa sĩ Mai Hiên đã ngạc nhiên như thế nào, khi chính bản thân bà đã phải dành ra ngót nghét cả chục năm để thành thạo sơn mài, mà nghe cô con gái bảo học lại từ mẹ. Thế nhưng, cũng chỉ trong thời gian tính bằng tuần, CAT đã học được cách làm sơn mài để tự tay thực hiện những bức khổ lớn, được làm lại từ các phác thảo bút bi.
Bản vẽ bút bi và bản sơn mài có thể coi như hai tác phẩm độc lập với nhau, thuần nhất về nội dung. |
Nói về CAT, họa sĩ Đào Anh Khánh chỉ có thể bảo: “Không lý giải được”. Ông vẫn gọi cô con gái bằng cái tên yêu thương là Bống, như không phải một cô họa sĩ kỳ lạ, “gây sốc” cho cả nhà, mà vẫn là con bé nhỏ xíu nghịch đất nặn tượng hồi trước. Ông chia sẻ: “Những bức tranh của Bống hoàn toàn bằng bút bi, nhưng không hề có một nét vẽ sai, lệch. Ngay cả tôi vẽ phác họa nhiều năm như vậy, nhưng vẫn không tránh khỏi có những lúc phải tẩy, hoặc chỉnh lại những nét đi sai. Tôi không thể lý giải được sự kỳ lạ này, chỉ thấy rằng Bống có những dấu hiệu của một thiên tài. Không phải con vẽ - bố khen, mà kiểu vẽ của Bống, ngay cả tôi với hàng chục năm trải qua hành trình thực hành nghệ thuật dày dặn kinh nghiệm cũng không thể làm được”.
Những vẻ đẹp khác nhau từ hai phiên bản. |
CAT chia sẻ, suốt 1 năm trời cô chỉ vùi đầu vào vẽ, như một nhu cầu bộc lộ, thể hiện hết tất cả những gì cô “nhìn thấy” trong tâm trí mình. Kiểu vẽ của CAT là một kiểu hoàn toàn mới, vừa ảo vừa thực, mà cô gọi là metareverse (vũ trụ nghịch ảo), tức là đối lập với thế giới ảo, đưa con người trở lại với cuộc sống thực tại.
Những bức vẽ của CAT, hầu hết mang sắc rực rỡ ấm nóng của màu đỏ, một số lại tràn đầy màu xanh mướt mát. CAT vẽ về mọi thứ chung quanh mình, trong “mắt nhìn” của mình, như con mèo, những con mắt, hoa ban, những người phụ nữ từng giúp cô… Tranh của CAT là cả một vũ trụ biến ảo kỳ bí với cuộc dạo chơi của màu sắc, mang đậm âm hưởng dân gian hòa trộn tự nhiên cùng sự hiện đại.
Trong tranh của CAT, hình ảnh được nhìn thấy nhiều nhất là những con mắt. Những con mắt lặp lại nhiều lần trong tranh của CAT, và trong nhiều bức vẽ. Chia sẻ về lý do tại sao lại như vậy, CAT cho biết, thứ mà cô nhìn thấy rõ ràng nhất, to nhất ở mỗi người khi gặp gỡ, trò chuyện chính là đôi mắt. Và mắt cũng là điều ám ảnh, khiến cô phải mô tả lại nó bằng nhiều cách trong các bức vẽ của mình.
Tranh "Kiều lạc hồn". |
Những bức vẽ của CAT hầu hết đều là sơn mài khổ lớn, được nữ tác giả chăm sóc tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ xíu cho đến tổng thể bức tranh. Là sơn mài, nhưng người xem ngắm kỹ có thể nhận ra được những nét quệt mang dáng dấp của sơn dầu, đầy phóng khoáng và bay bổng. Với CAT, dường như chẳng có biên giới nào cho thể loại hay phong cách, chỉ có vũ trụ vô biên của trí tưởng tượng mà cô đang mải miết khám phá từng ngày.
Không chỉ vậy, với CAT không chỉ vẽ là đã xong bức tranh. Cô còn thêm vào đó cả một “hệ sinh thái nghệ thuật” với thơ, nhạc, và sau này là những đoạn phim cô tự thực hiện. Giống như nghệ thuật trình diễn của người cha, CAT đã phát triển rộng hơn thế giới của bức tranh, bằng những sáng tác trong những lĩnh vực nghệ thuật khác của chính mình.
Chuyện thơ, nhạc của CAT cũng là một sự kỳ lạ. Khi nghe con gái bày tỏ mong muốn làm nhạc, họa sĩ Đào Anh Khánh giới thiệu CAT tới chỗ nhạc sĩ Trí Minh. Và ông lại bất ngờ thêm lần nữa khi được biết, cô con gái khác biệt của mình đã xong tác phẩm chỉ sau 2 tuần. Còn thơ, CAT sáng tác gần như song song với các bức vẽ của mình.
CAT đang dự định đưa các tác phẩm của mình đến với công chúng, thông qua triển lãm đầu tiên mang tên “Metareverse - Tái sinh” dự kiến khai mạc ngày 22/10. “Metareverse” cũng là thông điệp, tuyên ngôn về “sự tái sinh” của cô trong một thế giới mới, thế giới của nghệ thuật.