Cùng các họa sĩ trung niên “chơi” trung thu

Lấy cảm hứng từ hình ảnh trẻ con chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa rồng, múa sư tử… và các trò chơi dân gian, nhóm họa sĩ G39 đã đón mùa trung thu bằng một cuộc chơi rực rỡ sắc màu.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Rước đèn cá chép” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tại “CHƠI”.
Tác phẩm “Rước đèn cá chép” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tại “CHƠI”.

1/Triển lãm “CHƠI” như một lễ hội đêm rằm rực rỡ sắc mầu của 13 họa sĩ với 70 tác phẩm hòa quyện cả hội họa và điêu khắc với nhiều chất liệu khác nhau. Họa sĩ Lê Thiết Cương, Trưởng nhóm G39 chia sẻ, riêng đề tài năm nay ngoài nội dung đêm rằm, tôi muốn các họa sĩ vẽ cả về các trò chơi dân gian. Bởi cái đó rất quan trọng, ngoảnh đi ngoảnh lại các trò chơi mà lứa thế hệ chúng tôi 6x, 7x hay 8x vẫn thường mê mải giờ gần như không thấy nữa. Tôi nghĩ rằng, trò chơi dân gian khi đã mất đi cũng giống như mất đi một ký ức, mất truyền thống, mất văn hóa bởi trong các trò chơi ấy có văn hóa của người Việt.

Họa sĩ cho biết, hình ảnh cá chép trong đôi lông mày của đầu lân, của đèn kéo quân đều là ước muốn của người lớn về sự tốt lành cho trẻ nhỏ khởi từ ý lưỡng ngư vọng nguyệt, hoặc cá chép vượt vũ môn. Hình ảnh những vị tiến sĩ bằng giấy mầu là mong muốn cho trẻ nhỏ học giỏi, thi cử, đỗ đạt… Mùa thu, tháng 8 theo quan niệm truyền thống là thuộc quẻ Quan (Phong Địa Quan) như là nhìn trẻ con chơi để thấy tương lai của chúng và cũng để thấy quá khứ của mình, để tự nhủ mình. Như vậy, trung thu không chỉ là Tết của con trẻ mà còn là Tết của người lớn nữa. Có người lớn nào mà không từng là trẻ con? Một người lớn đúng nghĩa thì bao giờ cũng có một phần, một góc trẻ con trong mình. Bởi vậy, cuộc trưng bày như cuộc chơi của bản thân các họa sĩ mang tới cho công chúng một trung thu đa sắc thật đẹp và gợi nhiều ý tứ.

2/Đó là Nguyễn Quốc Thắng với chất liệu sở trường bột mầu trên giấy dó và giấy báo cũ để mang tới serie tranh “Rằm Trung thu ở làng”. Làng Cự Đà, nơi anh sống hiện lên lung linh, tươi sáng trong khung cảnh rước đèn, múa lân bằng những mảng mầu gần như không pha, tương phản mạnh. Tuổi thơ trong tâm hồn họa sĩ còn thể hiện một cách hồn hậu qua mâm cỗ trung thu anh tả. Mang đong đầy ký ức đêm phá cỗ giữa mùa trăng cho người xem. Hay Lê Minh Trí mang đến 5 tác phẩm điêu khắc kết hợp hội họa. Trên cái nhìn chung gợi về một vị Bồ Tát ngồi thiền, họa sĩ đồng hiện lên cả một đêm hội trăng rằm bằng những tín hiệu của đèn kéo quân, mặt nạ với những đường kỷ hà và kiểu đi mầu mảng phẳng. Lan tỏa cảm xúc an lành cho cả không gian trưng bày.

Người xem ấn tượng với bức đại cảnh đêm trung thu ở Sa Pa của họa sĩ Đào Trọng Lưu vẽ những em bé người H’Mông, Dao đỏ múa rồng, rước đèn ông sao… giữa trăng, giữa núi. Lạ mà quen với bút pháp nhiều nét, gợi hình cùng sắc mầu tươi không sa vào tỉ mẩn, vừa có độ trải nghề của thâm niên, vừa có sự hồn hậu đáng yêu của thiếu nhi. Đây là những trải nghiệm quý báu của ông khi có quãng thời gian lập xưởng họa trên miền non cao này. Đêm rằm còn có cả những trò chơi đánh bi, đánh đáo, thả diều, nhảy dây… thông qua ngôn ngữ tạo hình. Truyền thống được kể bằng hiện đại, họa sĩ Lê Thiết Cương với những bức tranh nhỏ thôi, là những thì thầm, tiếc nuối các trò chơi dân gian như kéo cưa lừa xẻ, trồng nụ trồng hoa, nu na nu nống… đang ngày càng biến mất.

Khi đến mùa trung thu, tất cả chúng ta đều hướng về những gì tốt nhất cho trẻ em, với sự trong sáng, sự khỏe khoắn và mạnh mẽ, nương tựa lẫn nhau, như giữa con cá và ánh trăng. Có những suy nghĩ tưởng tượng nhưng luôn có sự tương đồng trong cuộc sống. Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thuận (Hội An) hoài niệm như thế khi anh mang ba tác phẩm điêu khắc, được tái chế, sáng tạo từ những thanh gỗ cũ trôi dạt sau những trận lũ ở vùng quê, nơi anh sinh sống. Các tác phẩm “Ra phố”, “Cá cõng trăng”, “Chơi lân” được anh sử dụng những gam mầu tươi sáng gợi cho người xem những hoài niệm thời thơ ấu, với chị Hằng, chú Cuội, múa lân…

Ở “CHƠI”, ta còn gặp cả một vườn đồng dao của nghệ sĩ Lê Thư Hương như tiếng gọi nhau của lũ trẻ con ở đâu đó xa xăm vọng về, nào “chi chi chành chành cái đanh thổi lửa” hay “Kéo cưa lừa xẻ/ông thợ nào khỏe/về ăn cơm vua/ông thợ nào thua/thì...”. Tranh của Hương đầy ắp vô lý, quan là dân, dân là quan, là con mèo, đàn cá… thần tiên, mơ mộng và đầy hoan ca. Cuộc chơi thêm “đa sắc” với những sáng tác mới của họa sĩ Tào Linh. Anh tạo ra những khoảng trống phi lý từ điểm nhấn tâm lý, không thuần thị giác thành những miền suy tưởng cứ miên man, lả lơi tương tác với nhau, với cả những thân phận đang thấy mình trong đó khi cứ lặng im mà tràn cảm xúc trước tác phẩm của anh. Họa sĩ cho biết, là cuộc chơi nên tôi nghĩ mỗi tuổi có một cách chơi, như tôi là bày tranh để mang tới sự ngẫm ngợi.

Cuộc “CHƠI” của nhóm họa sĩ G39 là cái Tết đặc biệt như lời chúc an lành, hạnh phúc dành cho trẻ con mà cũng không hẳn chỉ cho trẻ con, đó còn là một cái Tết của bạn bè, gia đình, quây quần sum vầy, gặp gỡ trao nhận yêu thương.

Đây là sự kiện nghệ thuật thứ tám liên tiếp nhóm G39 cùng tổ chức, khai mạc và mở cửa từ ngày 7 đến hết 12/9/2023 tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật & Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).