Phổ biến trong cách giúp nhau ở vùng nông thôn Cà Mau là góp vốn (hùn vốn) để hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế.
Hùn vốn giúp nhau thoát nghèo
Dọc sông Đầm Dơi phía bên Huyện đội có con đường bê-tông phẳng phiu chạy xe bốn bánh về khóm 2, thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Ở đó, nhà dân đa số kiên cố, có hàng rào cây xanh, lề đường trồng nhiều loại hoa khoe sắc đẹp mắt. Khung cảnh yên bình, no ấm ấy là thành quả từ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương; cũng là sự cố gắng, nỗ lực của người dân tương trợ nhau cùng phát triển, vươn lên.
Một trong những cách tương trợ phổ biến được duy trì trong 25 năm qua của người dân khóm 2 là mô hình hùn vốn của Chi hội Phụ nữ khóm. Sau nhiều năm phát triển ổn định, đến nay, khóm 2 có bốn tổ hùn vốn với 135 hội viên. Đều đặn hằng tháng, các hội viên góp vốn từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/người. Nguồn quỹ chung sau khi hùn lại sẽ giải quyết cho các trường hợp hội viên có nhu cầu cần vốn để mở rộng việc buôn bán, phát triển trồng trọt, chăn nuôi...
Là một trong những người nhận được nguồn vốn tương trợ, bà Nguyễn Thị Điểu, hội viên Tổ 2 Chi hội Phụ nữ khóm 2 cho hay, trước đây gia đình bà là hộ nghèo vì đông con, thiếu tư liệu sản xuất. Sau nhiều lần được hỗ trợ vốn, gia đình có tiền thuê đất, mua tôm, cua... giống về thả nuôi. “Gia đình tôi còn xây chuồng, nấu rượu nuôi heo, có thêm chi phí trang trải sinh hoạt. Nhờ đó đã thoát nghèo hơn 10 năm nay. Hiện các con tôi đã có gia đình riêng, vợ chồng tôi đều có việc làm và thu nhập hằng ngày” - bà Điểu chia sẻ.
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể
Bằng cách thức góp vốn để cho mượn xoay vòng nêu trên, đến nay, quỹ tương trợ của Chi hội Phụ nữ khóm 2 đã phát triển lên hơn 500 triệu đồng. “Các hội viên cần vốn làm ăn, mua bán, mở rộng chăn nuôi… đều được giải quyết cho mượn với lãi suất rất thấp, mỗi lần mượn nhiều nhất không quá 20 triệu đồng/người nhưng phải hoàn trả sau 6 tháng để duy trì nguồn tài chính ổn định giải quyết cho hội viên khác cần vốn để phát triển kinh tế gia đình” - bà Nguyễn Kim Nguyên, Chi hội trưởng Phụ nữ khóm 2 tiết lộ.
Bằng nhiều hình thức giúp vốn, hàng chục nghìn hội viên phụ nữ tại vùng nông thôn Cà Mau có thêm nguồn tài chính để đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. |
Toàn huyện Đầm Dơi hiện có khoảng 27 nghìn hội viên phụ nữ, với 590 tổ, 132 chi hội; trong đó có 571 tổ, câu lạc bộ (hơn 18 nghìn hội viên tham gia) duy trì hùn vốn theo hình thức tiết kiệm tăng dần (góp từ 30 nghìn đến 200 nghìn đồng/tháng/người), với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, giúp 6.800 hội viên vay vốn với lãi suất thấp. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đầm Dơi Trần Tất Xuyên cho biết: “Bên cạnh hùn vốn tiết kiệm, các cấp hội phụ nữ tại địa phương còn có mô hình tương trợ khác như “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”… Nguồn hỗ trợ nêu trên bước đầu đã giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn. Chỉ riêng thị trấn có năm chi hội với 1.185 hội viên thì có khoảng 40% số hội viên khá, giàu”.
Cà Mau hiện có hơn 205 nghìn hội viên phụ nữ các cấp, trong đó khoảng 70% số hội viên ở vùng nông thôn. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đang duy trì hơn 2.610 tổ hùn vốn (gồm hơn 56.200 hội viên), với số tiền tiết kiệm hơn 31 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, nguồn quỹ tiết kiệm nêu trên đã giúp hơn 6.000 hội viên có vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau Trần Thị Kiều Yến cho biết, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội trong tỉnh còn tín chấp hơn 143,6 tỷ đồng giúp hội viên vay vốn, với tổng dư nợ đến nay hơn 1.400 tỷ đồng, giải quyết vay vốn cho hơn 46 nghìn hội viên. Nhờ huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau mà trong năm 2023 vừa qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh giúp hơn 400 hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo chung của tỉnh còn khoảng 1,6%.
Mô hình gắn kết cộng đồng thôn quê
Vùng quê xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khang trang, sạch hơn nhờ sự tương trợ, góp công, góp sức tương trợ nhau của hội viên phụ nữ. |
Cùng có cách làm tương tự như tại Đầm Dơi, nhưng trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), nhiều hội viên phụ nữ góp vốn bằng vàng. Tập trung nhiều nhất là xã Trần Hợi, với 29 tổ hùn vàng (mỗi tổ từ 10 đến 15 người tham gia).
Do đặc thù là xã thuần nông cho nên việc hùn vốn bằng vàng được thực hiện theo thời vụ sản xuất, thường định kỳ khoảng 6 tháng/lần sau khi thu hoạch lúa, cá, màu... Mỗi lần sinh hoạt chi hội, thành viên các tổ hùn vàng sẽ góp từ hai đến bốn chỉ vàng vào quỹ chung. Sau đó, thành viên có nhu cầu sử dụng vốn trước vào những công việc cấp bách sẽ được xem xét giải quyết cho mượn vàng, thường từ 4 đến 6 lượng vàng/người.
Cầm trong tay gần bốn lượng vàng vừa mới nhận được của chị em góp lại, bà Nguyễn Thị Đượm (ấp 1, xã Trần Hợi) trong tâm trạng vui mừng cho hay, số vàng này sẽ chi dùng vào việc mua nền nhà cho con. Đây cũng là lần thứ ba bà Đượm nhận vàng từ quỹ góp chung của các hội viên. Trong hai lần nhận trước đó gia đình bà gom góp cất được căn nhà tường khang trang rộng 120m2, trị giá gần 200 triệu đồng. Bà Đượm chia sẻ: “Dân vùng này chỉ trồng hai vụ lúa, nuôi cá đồng hoặc canh tác thêm vụ màu. Ở mỗi thời điểm thu hoạch, tuy có tích lũy chút đỉnh nhưng chỉ vài chỉ vàng là cùng. Do vậy, việc góp vàng sẽ giúp hội viên có số vàng lớn để tính toán các việc hệ trọng cũng như thực hiện một số mơ ước chưa làm được”.
Khởi động sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trần Hợi Trần Kim Đào, mô hình góp vốn bằng vàng trên tinh thần tự nguyện và được duy trì hơn 10 năm qua tại nhiều chi hội phụ nữ của địa phương. Không như hình thức hụi hè, mô hình hùn vàng không có lãi, không có người làm “chủ xị” đứng ra thu rồi hưởng tiền công. Hùn vàng ở đây trên tinh thần thỏa thuận chung, thống nhất góp số vàng như nhau. Ai có nhu cầu chính đáng, cấp bách thì được tập thể xem xét giải quyết trước. Nếu không thì sẽ bốc thăm, ai trúng thăm may mắn sẽ nhận được số vàng góp của tập thể.
Người tham gia hùn vàng được lựa chọn kỹ lưỡng: Phải có nhà ở ổn định, có hộ khẩu và có đất sản xuất tại địa phương; vàng hùn được quy định tại một tiệm cố định trên địa bàn xã; khi mang vàng đi hùn phải có chồng đi theo để bảo đảm sự thống nhất và khi nhận vàng hùn thì cả vợ và chồng đồng ký tên cam kết có nhận và cam kết hoàn trả. Nhờ lựa chọn kỹ càng và thực hiện đúng các cam kết mà đến nay chưa có trường hợp nào khiếu nại việc mượn vàng nhưng không trả lại.
Tại huyện Trần Văn Thời đang duy trì hơn 700 tổ hùn vốn tiết kiệm, với số vốn xoay vòng hơn hai tỷ đồng. Trong số này, có 67 tổ góp vốn bằng vàng, với 570 thành viên. Nhờ hình thức góp tiền, góp vàng vào quỹ chung, rất nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương được tiếp thêm nguồn vốn để chuộc đất, mua thêm đất đai, xây cất nhà cửa, mở rộng sản xuất, kinh doanh, quy mô trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ. Bà Lê Thị Gấm, hội viên phụ nữ ấp 1 (xã Trần Hợi) chia sẻ: “Ở vùng thôn quê, thu nhập chủ yếu nhờ bán nông sản cho nên khi gia đình cần số tiền lớn và đột xuất sẽ rất khó xoay sở. Muốn có tiền nhanh phải đi vay nóng từ các nguồn không chính thức, lãi suất cao. Vì vậy việc hùn tiền, hùn vàng đã giúp giải quyết khó khăn về tài chính của chị em hội viên”.
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau, thời gian qua, các chi hội, tổ hội phụ nữ trong tỉnh đã huy động nguồn lực tài chính hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 20 nghìn chị em hội viên khó khăn, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng được nhà cửa khang trang, chăm lo con cái ăn học đàng hoàng... Các hình thức tương trợ, giúp nhau không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái vốn có từ bao đời nay của dân tộc mà còn góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết cộng đồng ở các vùng quê hẻo lánh.