Những thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi

Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, thời gian qua, tại vùng Tây Nam Bộ đã có nhiều tấm gương sáng là những thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi và hết lòng chăm lo cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Thương binh Trần Văn Khi hướng dẫn lao động dân tộc Khmer cách chế biến đặc sản bong bóng cá biển. (Ảnh NGUYỄN PHONG)
Thương binh Trần Văn Khi hướng dẫn lao động dân tộc Khmer cách chế biến đặc sản bong bóng cá biển. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Trần Văn Khi, 73 tuổi, thương binh 1/4 ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng xúc động nhớ lại thời trai trẻ oai hùng.

Vững bước giữa đời thường

Như các thế hệ thanh niên sinh ra trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, đầu năm 1971 khi vừa tròn 18 tuổi, từ du kích địa phương, thanh niên Trần Văn Khi đã xung phong nhập ngũ vào đơn vị chủ lực chiến đấu cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng.

Hòa bình lập lại, những tưởng được sum vầy với gia đình nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra, ông Khi tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Nhờ thành tích chiến đấu, ông lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ như trung đội trưởng, đại đội trưởng rồi lên tiểu đoàn trưởng.

Đầu năm 1985, trong một đợt truy quét tàn quân địch, ông bị thương và vĩnh viễn mất đi một chân, tỷ lệ thương tật hơn 85%, được đơn vị cho phục viên.

“Trở về quê hương, tôi luôn tự hào vì mình đã làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc. Hơn nữa, tôi nghĩ mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường. Chính vì vậy, bản thân càng luôn quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Khi chia sẻ.

Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Trần Văn Khi luôn vượt khó vươn lên. Hơn 30 năm qua, ông làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Từ làm bong bóng cá biển đến xay xát lúa gạo, cuối cùng gắn bó với nghề sản xuất cửa nhôm.

Sau nhiều năm phấn đấu, ông đã phát triển từ một cơ sở gia công lên thành cơ sở sản xuất cửa nhôm, thu hút nhiều lao động ở địa phương, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer.

Tại Gò Quao, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kiên Giang, người dân luôn thán phục người thương binh Đặng Văn Khiêm, ngụ tại khu phố Phước Thới, thị trấn Gò Quao. Năm nay, ông Khiêm đã 76 tuổi nhưng có thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Tham gia du kích địa phương từ năm 16 tuổi, sau ngày đất nước thống nhất, ông Khiêm lập gia đình với chỉ 25 công đất ruộng. “Lúc đó tôi nghĩ với 25 công đất ruộng thì làm mãi cũng chỉ đủ ăn, không khá và làm giàu được. Qua học hỏi trên báo, đài, rồi đi các địa phương Bình Phước, Đồng Nai, tôi quyết định vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi heo rừng lai thương phẩm kết hợp sinh sản”, ông Đặng Văn Khiêm chia sẻ.

Kết quả ngoài mong đợi, năm 2017, từ chỗ chỉ nuôi 4 con heo rừng giống để bán heo con, đến nay, ông Đặng Văn Khiêm có tổng đàn heo rừng lai lên đến gần 50 con; trong đó có 14 con nái sinh sản, hằng năm, ngoài bán giống, ông bán heo thịt khoảng 60 con, ước tính lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Ông cho biết: “Heo rừng dễ nuôi, ăn nhiều cỏ cây cho nên có sức đề kháng tốt. Điều quan trọng là phải xây dựng chuồng thoáng không khí, và người nuôi phải siêng năng trong việc tìm thức ăn từ cây, cỏ cho heo ăn”.

Ngoài đầu tư chuồng nuôi heo rừng lai, hiện nay ông Khiêm còn đầu tư trồng 300 gốc dừa trên diện tích 7.000 m2 đất sau nhà. Với việc bán trái dừa, hằng tháng, ông có thêm thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Tận dụng diện tích trống dưới tán dừa, ông Khiêm cũng trồng chuối, các loại cỏ giàu chất dinh dưỡng làm thức ăn cho heo.

Sinh ra trong thời loạn lạc, ông Lê Quang Núi ở ấp Hòa Thành, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang ý thức trách nhiệm của người thanh niên với Tổ quốc và tham gia cách mạng từ rất sớm. Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông Núi đã tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt với 7 lần bị thương, giờ là thương binh hạng 3/4.

Thời điểm này, gần bước vào năm học mới, ông lại tất bật đi vận động hàng nghìn cuốn tập, viết, hàng chục chiếc xe đạp cho học sinh dân tộc trên địa bàn huyện. Thông qua các mối quan hệ, ông Núi còn vận động nhà hảo tâm xây dựng hai chiếc cầu bắc ngang Kinh Tắc, xã Vĩnh Bình Nam trị giá gần 3 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Núi từng tích cực vận động quà Tết tặng cho hộ nghèo, xây nhà đại đoàn kết và cho hộ nghèo mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân gần nhà ông ở ấp Hòa Thành luôn xem ông như ân nhân, điểm tựa để vươn lên thoát nghèo.

“Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi được nhiều người dân cho ở nhờ, chia sẻ từng miếng ăn, giờ tuổi cao nhưng có điều kiện, tôi nguyện giúp đỡ người nghèo để trả ơn người dân từng che chở, đùm bọc bộ đội”, ông Núi chân thành bộc bạch.

Chia sẻ vì cộng đồng

Với hơn 70% dân số là đồng bào Khmer, kinh tế thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp là chính, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Được sự chăm lo của Đảng và Nhà nước cùng ý thức vượt khó vươn lên, đời sống của đa số đồng bào ở đây không ngừng được cải thiện; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chi hội Cựu chiến binh địa phương.

Năm 2016, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng được thành lập, ông Trần Văn Khi được bầu vào ban chấp hành, đảm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân Cựu chiến binh huyện Trần Đề.

“Ý thức được trách nhiệm và xác định cho bản thân là vừa phải chăm lo tốt cho công tác hội, hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên, vừa phải bảo đảm cuộc sống cho 10 lao động thường xuyên của cơ sở cho nên tôi quyết tâm cùng tập thể xây dựng Chi hội Doanh nhân Cựu chiến binh luôn đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân ở địa phương”, ông Khi cho biết.

Từ năm 2020 đến nay, cơ sở sản xuất cửa nhôm của ông Trần Văn Khi có tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng, đóng góp thực hiện nghĩa vụ các loại thuế gần 450 triệu đồng; tạo thu nhập ổn định cho 10 lao động thường xuyên mỗi người 6 triệu đồng/tháng, trong đó có đến 2/3 lao động là dân tộc Khmer.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện Trần Đề đều giảm trên 1,5%/năm. Cụ thể năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 1,59%, đạt 106% kế hoạch năm; trong đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 2,09%, đạt 104,50% kế hoạch. Sự đổi thay từ đời sống vật chất đến tinh thần giúp đồng bào dân tộc thiểu số thêm tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; hăng hái thi đua lao động sản xuất, đời sống kinh tế người dân phát triển, phum sóc ngày càng khang trang.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng Lê Trung Hậu chia sẻ: Thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các cấp hội đã huy động hơn 248 tỷ đồng từ các nguồn vốn để giúp hơn 10.500 hộ là hội viên cựu chiến binh vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho 3.213 lao động là người thân hội viên. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều hội viên nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, phát triển 30 mô hình làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng/năm.

Đến nay, toàn hội có 266 mô hình làm kinh tế giỏi, 2 hợp tác xã, 73 tổ hợp tác, 8 trang trại, 1.961 gia trại và 984 hộ kinh doanh dịch vụ. Năm 2023, tất cả hội viên cựu chiến binh trong tỉnh có điều kiện về đất đai, ao hồ đã tích cực chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn gia đình.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang Trần Thiện Mỹ cho biết, để giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh gia đình, từ năm 2018 đến đầu năm 2024, hội nhận vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 600 tỷ đồng cho 6.414 lượt hội viên vay.

Toàn tỉnh có 555 chi hội thành lập tổ góp vốn xoay vòng không lãi hoặc lãi suất thấp để giúp nhau giảm nghèo với số tiền 24 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang đang quản lý 103 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 42 hợp tác xã, 148 tổ hợp tác sản xuất, 11 trang trại, 1.222 gia trại, 509 hộ kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động.

Câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế cấp tỉnh có 57 thành viên; các hội viên giúp nhau vay không lãi hoặc lãi suất thấp bằng nhiều hình thức như góp vốn xoay vòng, kết hợp vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống hội viên. Năm 2022, hội có 254 hộ nghèo, đến nay giảm còn 129 hộ…

Những thương binh làm theo lời Bác là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, huy động, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh trật tự tại địa phương.