Hình mẫu Khu Công nghệ cao của cả nước

20 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được đánh giá thành công nhất trong các khu công nghệ cao trên phạm vi cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hình mẫu Khu Công nghệ cao của cả nước

Không những thu hút được các công ty, tập đoàn lớn, SHTP còn hình thành và phát triển được một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu triển khai... đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 24/10/2002, là một khu kinh tế-kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài. SHTP còn được kỳ vọng huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến nay, SHTP đã hình thành một Trung tâm Công nghệ cao quốc gia, nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. SHTP cũng là nơi đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao với sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước, nhất là dự án từ các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, SHTP đã triển khai đồng bộ bảy phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao. SHTP được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là khu công nghệ cao có hoạt động mạnh nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để lan tỏa công nghệ cao ra bên ngoài và là hạt nhân xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, SHTP thu hút được 160 dự án đang hoạt động, trong đó có các thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ); Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc); Datalogic (Italia)... Trong 160 dự án, có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD, bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/dự án. Tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD với 109 dự án, bình quân vốn đầu tư 17,7 triệu USD/dự án.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 23 tỷ USD. Tổng số lao động đang làm việc tại SHTP gần 52.000 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.

Đạt được những thành tựu quan trọng trên là nhờ quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh các thời kỳ; sự tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, thực hiện hiệu quả “cơ chế một cửa” và sự linh hoạt trong chính sách thu hút đầu tư để thu hút những nhà đầu tư lớn; chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, công chức, viên chức...

SHTP đang bước sang giai đoạn phát triển mới, trọng tâm là tập trung phát triển năng lực nội sinh trên cơ sở khai thác các hệ sinh thái có thế mạnh đã hình thành tại SHTP, tận dụng triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu của SHTP đến năm 2030 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, đến nay SHTP cơ bản đã thực hiện được một cơ sở hạ tầng cho các hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Sự khác biệt giữa khu công nghệ cao với các khu công nghiệp ở chỗ tạo điều

kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thông qua ưu đãi về giá thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu-phát triển, đổi mới sáng tạo. Qua đó, tạo ra những sản phẩm công nghệ cao mới, đem lại giá trị gia tăng cao hơn dựa trên chất xám.

Một công viên khoa học và công nghệ đã được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận xây dựng bên cạnh SHTP hiện hữu nhằm kích thích và quản lý luồng kiến thức và công nghệ giữa các trường đại học, tổ chức R&D, công ty và thị trường.

Công viên khoa học và công nghệ này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra và phát triển các công ty dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các quá trình ươm tạo và sản xuất; cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác với không gian, cơ sở vật chất chất lượng cao. Đây là thuận lợi giúp chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng hiện nay dựa vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI là chính, sang mô hình từng bước tạo ra giá trị gia tăng dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong toàn SHTP.