Hiệu quả từ những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định

Thực hiện yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thời gian qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tích cực chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động; tổ chức các kỳ họp đúng luật định, khoa học, dân chủ và trí tuệ; ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để triển khai kịp thời và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Kỳ họp thứ 22, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021-2026.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 22, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó nổi bật là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành 503 nghị quyết, để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy, chính sách pháp luật của Nhà nước thành các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Đơn cử Nghị quyết số 70 ngày 2/12/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển và Nghị quyết số 66 ngày 17/6/2022 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển.

Sau khi nghị quyết được thông qua, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển có chiều dài gần 25km, đi qua 5 huyện của tỉnh được khởi công vào cuối năm 2022, với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng; trong đó điểm đầu được kết nối liên hoàn với tuyến đường trục phía nam và cầu qua sông Đào đến trung tâm thành phố Nam Định; điểm cuối kết nối với tuyến đường bộ ven biển, hình thành trục kết nối từ thành phố Nam Định ra đến gần Biển Đông và ngược lại.

Hiệu quả từ những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định ảnh 1

Tuyến đường mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển đang được thi công.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết: Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định, khu vực kinh tế biển và ven biển được định hướng phát triển đột phá, sẽ trở thành một trọng tâm phát triển của cả tỉnh. Do đó, tuyến đường mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển cho các huyện phía nam và khơi dậy tiềm năng vùng ven biển của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, các vùng xung quanh dự án.

Không chỉ mở ra không gian phát triển mới, tuyến đường còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông của tỉnh theo quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Nam Định đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia, giảm tải cho Quốc lộ 21.

Bên cạnh đó, để thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết liên quan, quyết định và phân bổ 49.550 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025.

Ngoài dự án nêu trên, còn có những dự án lớn như: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định; xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, thành phố Nam Định; xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định... Những dự án, công trình này đang được tích cực triển khai xây dựng, khi đưa vào sử dụng sẽ làm thay đổi diện mạo, tạo không gian mới cho sự phát triển của tỉnh.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn để tinh gọn bộ máy, tác động đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở và nhiều người dân, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản của cả hệ thống chính trị.

Trong đó vấn đề được quan tâm là chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư.

Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đã “vào cuộc”, ban hành Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND, ngày 9/12/2023, quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025.

Nghị quyết có nhiều điểm “ưu việt” ở chỗ ngoài các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế và các chính sách khác theo quy định của pháp luật, Nghị quyết quy định mức hộ trợ thêm của tỉnh Nam Định đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ công tác trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử: Cán bộ, công chức cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành, thì cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (tối đa 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành) thì được hỗ trợ 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 30 tháng).

Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì số tháng được hỗ trợ tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.

Cán bộ, công chức cấp xã nghỉ sau 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành, thì cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (tối đa 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành) thì được hỗ trợ 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 12 tháng)...

Theo đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định, cùng với nhiều giải pháp, việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh nêu trên tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/9/2024, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực tế đã chứng minh, với việc Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.