Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: Nam Định chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội

Với quyết tâm, khát vọng xây dựng Nam Định phát triển toàn diện, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh Nam Định chủ trương, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối liên vùng. Việc này vừa là động lực, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Được quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nông thôn tỉnh Nam Định ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Xóm 6 - xóm nông thôn mới kiểu mẫu của xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, Nam Định).
Được quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nông thôn tỉnh Nam Định ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Xóm 6 - xóm nông thôn mới kiểu mẫu của xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, Nam Định).

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng, phải đi trước một bước, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt và bảo đảm yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Các huyện, thành phố cũng đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành rà soát, lập quy hoạch chung xây dựng giai đoạn 2021-2030 theo quy định, bảo đảm kết nối và phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, thành phố, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đến nay đã tổ chức lập 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, đã được thông qua tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khoá 19; có 168 xã được Ủy ban nhân dân các huyện phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; 10 thị trấn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung; 6 đồ án quy hoạch phân khu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; một số quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được lập, thẩm định và phê duyệt...

Đáng chú ý là nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng hạ tầng giao thông tương xứng với vai trò quan trọng là một khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã bổ sung quy hoạch nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển; tuyến đường gom hai bên đường cao tốc bắc-nam phía đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định-Đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định.

Tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, cảng biển trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hạ tầng giao thông tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính... để bảo đảm tính đồng bộ, kết nối thông suốt từ đường thôn xóm, trục xã, liên xã đến các tuyến huyện, đường tỉnh, quốc lộ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, để đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến cấp xã, bảo đảm trong điều kiện bình thường chủ động tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác; nay, toàn tỉnh có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) hoàn thành nội dung tiêu chí thủy lợi trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải tạo và nâng cấp theo hướng an toàn, ổn định và bảo đảm mỹ quan. Công ty Điện lực Nam Định đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển và cải tạo nâng cấp lưới điện, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho lưới điện trung hạ áp nông thôn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, bảo đảm vận hành và giảm tổn thất điện năng; đầu tư kết nối tự động hóa lưới điện trung thế, phát triển lưới điện thông minh. Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đồng bộ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%.

Trong quá trình xây dựng những “miền quê đáng sống”, tỉnh Nam Định còn chú trọng, quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xã và khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn, xóm theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống... làm cho đời sống tinh thần người dân nông thôn ngày thêm phong phú.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, không để nông thôn “thua thiệt”, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo, thực hiện việc nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và internet, đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã, bảo đảm chất lượng phục vụ các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh và các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến đến các xã.

Công nghệ thông tin được các huyện, xã ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành; hiện 100% số huyện, xã, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong điều hành, giải quyết công việc.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn với tổng số 172 chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, từng bước tiệm cận với thương mại văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu mua, bán hàng hóa của nhân dân; hệ thống các siêu thị và các cửa hàng tiện ích cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn nông thôn.

Được biết, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn toàn tỉnh, cơ bản các xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 25% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có từ 1 đến 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, tỉnh Nam Định đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn; chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng...

Tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các mô hình cộng đồng tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.