Hiệu quả của Chương trình bình ổn thị trường

Từ đầu tháng 4 này, ngành công thương thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp chính thức triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022-Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn. Chương trình năm nay có chủ đề thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Người dân mua hàng hóa bình ổn giá tại một siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh cộng tác viên)
Người dân mua hàng hóa bình ổn giá tại một siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh cộng tác viên)

Theo Sở Công thương thành phố, Chương trình bình ổn thị trường năm 2022-Tết Quý Mão 2023 có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia; trong đó, nhiều đơn vị có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Khối lượng lương thực, thực phẩm tăng mạnh

Trong lĩnh vực phân phối là Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, SATRA, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25...; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm là VISSAN (thịt gia súc, thực phẩm chế biến...), C.P Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm), Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo), Colusa-Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô), Sài Gòn Food (thực phẩm chế biến), San Hà (thịt gia cầm), Thảo Nguyên, Phước An, Anh Đào, Xuân Thái Thịnh (rau, củ, quả), Liên Thành (nước mắm)... Đáng mừng là có một số đơn vị lớn lần đầu tham gia chương trình như: Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), MM Mega Market, Cental Retail (phân phối)... 

Đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương thành phố) cho biết: Trong bối cảnh giá cả nguyên, vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để giảm rủi ro và tăng cường năng lực cung ứng, bảo đảm khả năng bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công thương cùng các sở, ngành đã tiếp tục rà soát, tìm kiếm các nhà cung ứng mới và vận động họ tham gia chương trình. 

Kết quả, có 39 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng bốn doanh nghiệp so với năm 2021. Khối lượng hàng hóa đăng ký cũng tăng mạnh: gạo tăng 27%, đường tăng 56%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp năm lần, lương thực khô (mì, bún, phở...) tăng gấp tám lần... Với kết quả đó, dự kiến các tháng trong năm, lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 25% đến 33% nhu cầu thị trường; từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường trong mùa Tết; từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp, phòng, chống dịch Covid-19. 

Còn các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học có 11 doanh nghiệp tham gia; lượng hàng cung ứng chiếm 35% đến 50% nhu cầu thị trường. Mặt hàng dược phẩm có tám doanh nghiệp tham gia với 19 nhóm thuốc; chủ yếu là các loại dược phẩm dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều… 

Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ ba nhóm đối tượng tham gia thông qua ba hình thức, gồm: Cung ứng, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia, phân biệt rõ nhóm đối tượng để có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế. 

Chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng

Đại diện Phòng Quản lý giá (Sở Tài chính thành phố) cho biết: Dù có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động lên giá cả hàng hóa trên thị trường, một số mặt hàng tham gia chương trình đã đủ điều kiện tăng giá bán. Tuy nhiên, để chia sẻ cùng người tiêu dùng thành phố, phần lớn các doanh nghiệp cố gắng giữ giá bán ổn định. 

Theo đó, sau cuộc làm việc giữa Sở Tài chính và các doanh nghiệp để xác định giá bán trong Chương trình bình ổn thị trường năm 2022, chỉ có hai mặt hàng tăng giá bán là trứng gia cầm (tăng từ 5% đến 6%) và thịt gia cầm (tăng từ 7% đến 14%), các mặt hàng còn lại được giữ nguyên hoặc giảm giá so với năm 2021. Đại diện một số doanh nghiệp tham gia chương trình đã cam kết cung ứng đủ sản lượng hàng hóa với chất lượng bảo đảm như đã đăng ký, không đặt nặng việc kiếm lợi nhuận mà đồng hành với ngành công thương thành phố để chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực và Thực phẩm thành phố Trương Tiến Dũng cho biết: Các doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực và thực phẩm chấp nhận đưa lợi nhuận xuống mức thấp nhất, có thể hòa vốn, để chia sẻ với người tiêu dùng. Bên cạnh những mặt hàng đã đăng ký với Chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đang cố gắng kìm giữ giá nhiều mặt hàng khác. Nếu bắt buộc phải tăng giá thì cũng chỉ điều chỉnh với mức độ mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được. 

Để Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 có thể đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng, Sở Công thương thành phố đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác kết nối cung-cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu; mở rộng việc sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản, thực phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu của thị trường... 

Cùng với đó, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Sở Công thương xác định trọng tâm là phải bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối... Trước mắt, đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường, xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ... đúng tiến độ và kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố; bảo đảm sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định. 

Vận động doanh nghiệp phân phối ưu đãi tỷ lệ chiết khấu và các chi phí khác với doanh nghiệp sản xuất để không tăng giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng... Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm: Ngành công thương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản khu vực phía nam. Ngành cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử của thành phố tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân trong việc ký kết hợp đồng thu mua nông sản. 

Qua đó, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng, ổn định. Thành phố tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ trong phát triển hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất, kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thị trường... nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương.