Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet, học sinh dễ dàng xem và chế tạo pháo nổ. Các video, bài viết hoặc hội nhóm chia sẻ cách chế tạo pháo xuất hiện tràn lan trên YouTube, Facebook, TikTok…, được trình bày hấp dẫn, lôi cuốn, khiến giới trẻ tò mò và muốn làm theo để thể hiện bản thân. Nhiều video không đính kèm cảnh báo về hiểm họa, do đó có học sinh thử nghiệm mà không lường trước hậu quả.
Hóa chất dùng cho pháo nổ chủ yếu là các chất dễ cháy nổ như kali clorat, lưu huỳnh, bột nhôm… Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình trộn, thiếu kinh nghiệm xử lý hóa chất đều có thể gây ra vụ nổ lớn, gây thương tích nặng nề cho những người chung quanh. Vậy nhưng, việc mua bán hóa chất trên mạng rất dễ dàng. Một học sinh chỉ cần vài thao tác tìm kiếm là có thể tìm thấy rất nhiều địa chỉ bán hóa chất mà không bị kiểm tra độ tuổi hay mục đích sử dụng.
Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy số lượng vụ tai nạn do pháo nổ tự chế gia tăng mỗi năm, gây thương tích nặng, thậm chí đe dọa tính mạng các em. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, chỉ trong 2 tuần, khoa Bỏng-Chỉnh trực của bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bệnh nhi liên quan hành vi chế tạo pháo. Trường hợp bệnh nhi 12 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước, đã lấy bột của hột quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị thương, chảy máu nhiều và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng vết thương dập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1,2,3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái. Trước đó, một bệnh nhi nam 14 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bỏng độ 2 diện tích 35% do chơi pháo gây nổ, ghi nhận em có nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay 2 bên, đùi và cẳng chân 2 bên.
Theo Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó trưởng khoa Bỏng-Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, hằng năm, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Những vụ tai nạn này để lại hậu quả nặng nề. Các ca bỏng nặng, tổn thương cơ thể nghiêm trọng, thậm chí là tử vong đã xảy ra, khiến gia đình và cộng đồng phải gánh chịu nỗi đau vô cùng lớn.
Trước những nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng nêu trên, việc ngăn chặn hành vi tự chế pháo nổ cần được thực hiện một cách toàn diện. Nhà trường và gia đình cần tuyên truyền thường xuyên về những tác hại của hành vi này. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát các đơn vị cung cấp hóa chất, ngăn chặn việc mua bán trái phép nguyên liệu nguy hiểm, bảo đảm rằng chỉ những tổ chức đạt yêu cầu mới được phép kinh doanh. Đồng thời, lực lượng công an cần tăng cường giám sát các đối tượng nghi vấn và kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn bán, chế tạo pháo nổ. Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Hậu quả hành vi tự chế pháo nổ không chỉ gây thiệt hại về người mà còn kéo theo các chi phí y tế và hỗ trợ an sinh xã hội; gánh nặng về mặt tài chính và nguồn lực chăm sóc, điều trị cho nạn nhân là rất lớn. Để phòng chống hiệu quả cần sự tham gia của cả gia đình, nhà trường, chính quyền và toàn xã hội ■