Ngay khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) chính thức lăn bánh đưa đón khách, 17 tuyến xe buýt điện với khoảng 150 đầu xe đã được đơn vị vận hành đưa vào khai thác, nhằm tạo mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn. 17 tuyến xe buýt điện này có lộ trình và hướng tuyến gắn với 14 nhà ga của tuyến Metro số 1, giúp hành khách di chuyển đến các nhà ga một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn.
Các tuyến xe buýt này như những "cánh tay nối dài", đưa hành khách đến các nhà ga, cũng như từ nhà ga đi các khu vực dân cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… nhằm thu hút nhiều nhất lượng hành khách lên các chuyến tàu điện. Đầu tư phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn là để hướng tới mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hành động cần kíp trong xu thế tiến tới Net Zero trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số phương tiện cá nhân (gồm ô-tô, xe máy) sắp chạm mốc 10 triệu. Do đó, đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng, gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chính sách thu hút nhà đầu tư đang được ngành giao thông vận tải thành phố nỗ lực triển khai nhằm thực hiện chủ trương kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân mà thành phố đề ra.
Theo Sở Giao thông vận tải, với 17 tuyến xe buýt điện mới đi vào hoạt động đã nâng mạng lưới xe buýt của thành phố lên 137 tuyến, với khoảng 2.200 xe. Bên cạnh 17 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp tại các nhà ga, có 44 tuyến xe buýt hiện hữu (30 tuyến đã phù hợp kết nối và 14 tuyến điều chỉnh kết nối) tiếp cận được các nhà ga của tuyến Metro số 1, nâng tổng số các tuyến xe buýt kết nối lên 61 tuyến.
Sở Giao thông vận tải cũng đang trong quá trình hoàn thiện nghiên cứu để công bố hai tuyến xe buýt phục vụ Khu đô thị Đại học Quốc gia, nơi có hàng nghìn sinh viên học tập, nghiên cứu và thường xuyên di chuyển vào trung tâm thành phố. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tổ chức các tuyến xe buýt kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, phương án tổ chức các tuyến xe buýt kết nối Bến xe Văn Thánh...
Sở tiếp tục mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, triển khai các tuyến buýt gom trong các khu dân cư.
Cùng với việc đầu tư, mở rộng luồng tuyến xe buýt đến những khu vực trung tâm, kết nối tuyến Metro số 1, thành phố còn xác định lộ trình đến năm 2030, toàn bộ xe buýt sẽ chạy bằng điện, năng lượng xanh. Để thu hút các đơn vị vận tải tham gia đầu tư xe buýt trong lộ trình chuyển đổi xe buýt xanh, thành phố đã và đang có những chính sách như: Hỗ trợ về đầu tư xe, trạm sạc điện; đầu tư xây dựng, rà soát tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống bến bãi trên địa bàn, hệ thống trạm dừng nhà chờ, hệ thống điều hành giao thông công cộng hiện đại.
Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai hệ thống thẻ vé điện tử theo hướng liên thông giữa các loại hình giao thông công cộng, đa dạng phương thức thanh toán để thuận lợi phục vụ người dân thành phố... Ngoài ra, ngành giao thông vận tải còn tổ chức kết nối đồng bộ, hiệu quả các phương thức vận tải hành khách công cộng như Metro, xe buýt, buýt đường sông, xe đạp công cộng, xe ôm công nghệ... Đây chính là những bước đi chặt chẽ, đồng bộ để hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, thay đổi thói quen và phương thức đi lại trong cộng đồng.