Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối, khoảng 230 chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng hàng nghìn kênh mua sắm trực tuyến cung ứng cho người dân thành phố khoảng 10.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại mỗi ngày. Lượng tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán cũng kéo theo nguy cơ sản phẩm kém chất lượng bị trà trộn, đe dọa quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Trong những tháng cuối năm, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng trăm người phải nhập viện càng khiến người dân thêm lo lắng.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, số vụ vi phạm an toàn thực phẩm tại thành phố thời gian qua vẫn ở mức cao. Nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh, sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn. Thực phẩm đường phố cũng là một vấn đề nổi cộm với nguy cơ cao về nhiễm khuẩn do không bảo đảm điều kiện bảo quản và chế biến. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra, nhưng vì số lượng nhân lực và phương tiện còn hạn chế, nhiều trường hợp kiểm tra chỉ mang tính hình thức hoặc phát hiện chậm, dẫn đến việc xử lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Sở Công thương, và lực lượng quản lý thị trường chưa thật sự hiệu quả.
Một bộ phận lớn người dân vẫn quen mua sắm tại các chợ truyền thống mà không quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng thực phẩm khiến tình trạng vi phạm tiếp tục diễn ra. Việc thiếu thông tin và nhãn mác rõ ràng cũng làm tăng nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Khung pháp lý và các quy định về an toàn thực phẩm còn chồng chéo và chưa sát với thực tế. Công tác giám sát tại các chợ đầu mối và siêu thị chưa được thực hiện đồng bộ. Sự thiếu liên kết giữa các cơ quan quản lý cũng khiến việc xử lý các vụ việc trở nên chậm chạp. Nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã cố tình vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất bảo quản và phẩm mầu cấm vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ chế kiểm soát thực phẩm từ nguồn gốc đến bàn ăn khiến tình trạng gian lận thương mại ngày càng phức tạp. Người tiêu dùng có xu hướng chuộng giá rẻ và tiện lợi, bỏ qua yếu tố chất lượng và an toàn. Điều này khiến cho các cơ sở sản xuất kém chất lượng có cơ hội phát triển và chiếm lĩnh thị trường.
Trước tình hình đó, lực lượng chức năng cần rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo đảm tính thống nhất và khả thi; quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời cần tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh để răn đe và đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Thành phố cần trang bị thêm công cụ và nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra, áp dụng công nghệ số trong giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh các chương trình giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức của người dân. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần phối hợp tổ chức các buổi tập huấn và cung cấp thông tin về cách lựa chọn thực phẩm an toàn; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn và khuyến khích phát triển các chuỗi cung ứng minh bạch. Với những giải pháp đồng bộ này, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân.