Hàng Tết dồi dào, giá cả bình ổn

Ngành Công thương thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu đang tích cực chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hóa, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với giá bình ổn.

Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart.
Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart.

Nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với  cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn ngân sách được đầu tư cho các nhóm hàng hóa thiết yếu như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy, hải sản; còn lại, dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Saigon Co.op tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, nhất là nhóm hàng thực phẩm thời vụ Tết. Theo Giám đốc Khối vận hành hoạt động hệ thống siêu thị Co.opmart (thuộc Saigon Co.op) Nguyễn Ngọc Thắng, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Saigon Co.op còn triển khai thực hiện chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết và mười ngày cận Tết và có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn; duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng… Những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ tăng cường phục vụ nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị lượng hàng hóa để phục vụ mùa Tết với khối lượng và giá trị lớn. Các hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đã dự trữ tổng lượng hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 500 tỷ đồng, tăng 10% so với mùa Tết năm 2021. Trong đó, khối lượng hàng bình ổn giá tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 10% đến 30%; dự kiến tăng cao nhất là nhóm thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trái cây, các loại thịt và bia, nước giải khát. SATRA cũng không tăng giá, bảo đảm chất lượng hàng hóa ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa… Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) Phan Văn Dũng cho biết: VISSAN đã chuẩn bị 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 6% so với mùa Tết năm 2021. VISSAN cũng dự trữ khoảng 1.000 tấn thịt heo đông lạnh được đóng trong các túi từ 1 đến 2 kg để có thể phân phối tiện lợi, nhanh chóng trong trường hợp thị trường có biến động. Tất cả sản phẩm của VISSAN đều được cung ứng với giá bình ổn thị trường. Các cửa hàng VISSAN sẽ mở cửa đến trưa 29 Tết và hoạt động trở lại vào ngày mồng 2 Tết. Còn Công ty cổ phần Ba Huân đã dự trữ lượng trứng gia cầm có thể đáp ứng được 90% nhu cầu của thị trường thành phố trong mùa Tết. Đồng thời, Công ty cam kết không tăng giá bán, bán trứng với giá bình ổn, giảm giá cho công nhân và lao động nghèo.

Theo dự báo của Sở Công thương thành phố, sức mua trong mùa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không bằng những năm trước nhưng vẫn có thể có sự đột biến. Công nhân sẽ ở lại thành phố đón Tết nhiều hơn các năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, Sở Công thương thành phố đã tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố khác về công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa. Theo Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết. Khối lượng hàng hóa bình ổn thị trường sẽ chi phối từ 30% đến 40% tổng nhu cầu tiêu dùng của thị trường thành phố (tùy mặt hàng). Với lượng hàng hóa bình ổn giá này, người tiêu dùng, nhất là người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, sẽ có nhiều cơ hội mua sắm Tết hơn. Ngoài ra, ngành Công thương thành phố cũng có sẵn kịch bản xử lý các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cục bộ, chủ động đối phó các tình huống nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm trong mùa Tết của mọi tầng lớp nhân dân.