Triệt xóa tín dụng đen

Tín dụng đen đã và đang trở thành một vấn nạn để lại nhiều hệ lụy trong xã hội. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường tín dụng cho vay tiêu dùng còn nhiều hạn chế; chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe đối với hình thức cho vay lãi nặng này.
0:00 / 0:00
0:00
Quảng cáo cho vay tiêu dùng trái phép tại một tuyến phố.
Quảng cáo cho vay tiêu dùng trái phép tại một tuyến phố.

Đe dọa, khủng bố để đòi nợ

Mới đây, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt Phạm Thái Minh (sinh năm 1986) cùng ba đồng phạm khác về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Theo điều tra, băng nhóm này được xác định cho các đối tượng vay lãi suất từ 505-805%/năm, cao gấp từ 20-40 lần; thậm chí, có trường hợp cao gấp 178 lần so với pháp luật quy định để thu lợi bất chính hơn 2,8 tỷ đồng. Tương tự, các Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Công an Quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè vừa phối hợp triệt phá chuyên án, tạm giữ hình sự bảy đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng này câu kết để tổ chức hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất lên đến 360%/năm.

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023, các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện 219 vụ với 346 đối tượng; khởi tố 81 vụ án với 217 bị can là các đối tượng thu hồi nợ về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “cưỡng đoạt tài sản” thông qua phương thức đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, tung tin sai sự thật. Thậm chí, để buộc con nợ trả tiền, nhiều đối tượng còn khủng bố bằng cách mang quan tài, bình ga, sơn, chất bẩn,… đến nhà để thu nợ. Qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện nhiều đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam thành lập các tổ chức thực hiện dịch vụ cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính; trong đó, nhiều người phải trả lãi suất cho vay lên đến hơn 1.000%/năm. Các lực lượng chức năng cũng triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen” như: Goldvay, sugarvay, findong, wellvay,

cfcash, baovay… Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo: Các đối tượng cho vay lãi nặng sử dụng rất nhiều phương thức thủ đoạn như núp bóng công ty tài chính hay dưới hình thức ký hợp đồng nhưng không đề cập đến lãi suất để tránh bị xử lý hình sự. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ quy định và cân nhắc khi cung cấp các thông tin cá nhân để vay vốn tại các tổ chức tài chính cho vay.

Lành mạnh thị trường tín dụng vay tiêu dùng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỷ đồng; trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15%. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm với số lượng thành viên lên đến hàng nghìn còn hướng dẫn nhau cách vay rồi trốn nợ. Đại diện Công ty FE Credit cho biết: Việc thu hồi công nợ của công ty gặp khó khi khách không những không trả nợ mà còn hành hung lại nhân viên của công ty. Từ cuối 2022 và năm 2023, đã có 24 vụ ẩu đả xảy ra trong quá trình thu nợ liên quan giữa nhân viên các công ty tài chính và người vay nợ. Với thực trạng trên, nhiều cơ quan chức năng liên quan có chung nhận định và lo ngại tín dụng đen sẽ bùng phát khi mà việc giải ngân kiểu “15 phút có tiền” sau khi các đối tượng cho vay nắm được danh bạ, giấy tờ tùy thân của người vay. Nhiều ý kiến cho rằng, việc người vay tiêu dùng trốn nợ đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý cho nên các cơ quan chức năng cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay; xây dựng khung khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, không để tình trạng trốn nợ xảy ra như thời gian qua, gây tác động tiêu cực đến thị trường cho vay tiêu dùng.

Để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía nhằm chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay, trong đó, người vay cần xác định rõ là có vay có trả; ở chiều ngược lại, các tổ chức tín dụng cần thực hiện hiệu quả hơn nữa về thủ tục và mức lãi suất cho vay. Để lành mạnh hóa thị trường cho vay tiêu dùng, Thượng tá Lê Duy Sâm cho rằng, hiện nay, chế tài với tội cho vay lãi nặng còn quá nhẹ, nhất là chỉ quy định hai khung: Thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng và khung hơn 100 triệu đồng. Đơn cử, một đối tượng cho vay khi thu lợi bất chính chỉ xử cao nhất ba năm tù nhưng đối tượng đó, có khi thu nợ bất chính gấp hàng trăm nghìn lần thì cũng chỉ bị tối đa ba năm tù. Vì thế, chế tài cần được thực hiện theo hướng tăng nặng để răn đe các đối tượng. Thời gian qua, các lực lượng chức năng công an thành phố đã tổ chức hơn 200 đợt ra quân cấp huyện, gần 8.000 đợt ra quân cấp xã, thu hút hơn 159.703 lượt người tham gia để thực hiện bóc xóa hơn 2,1 triệu tờ rơi quảng cáo cho vay tiền sai quy định. Lực lượng công an cũng thu thập, lên danh sách hơn 3.000 số điện thoại liên quan cho vay tài chính; xử phạt vi phạm hành chính nhiều đối tượng về hành vi cho vay và dán quảng cáo sai quy định ■