Hỗ trợ tiểu thương thực thi chính sách thuế

Với hơn một nghìn hộ hoạt động kinh doanh, Chợ Bến Thành (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đóng góp nguồn thu ngân sách Nhà nước mỗi năm vài chục tỷ đồng. Thành phố triển khai các ý tưởng hiện đại hóa chợ truyền thống giúp tiểu thương buôn bán thuận lợi, hiệu quả và thực thi chính sách thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan gian hàng của tiểu thương tại chợ Bến Thành. (Ảnh CTV)
Du khách tham quan gian hàng của tiểu thương tại chợ Bến Thành. (Ảnh CTV)

HIỆN ĐẠI HÓA CHỢ TRUYỀN THỐNG

Qua 110 năm (1914-2024) hoạt động, chợ Bến Thành luôn khẳng định vai trò kinh tế và giá trị văn hóa độc đáo. Ðây không chỉ là biểu tượng kinh doanh tiêu biểu của Sài Gòn xưa, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, mà còn là điểm tham quan, mua sắm, khám phá ẩm thực của đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố mang tên Bác. Báo USA Today từng xếp hạng chợ Bến Thành đứng thứ 15/45 khu chợ có ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới; tạp chí Food and Wine bình chọn chợ Bến Thành là một trong mười điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh tại chợ Bến Thành hết sức khó khăn. Năm 2023, chỉ có khoảng 75% số hộ kinh doanh quay trở lại chợ hoạt động, lượng du khách đến chợ cũng chỉ đạt khoảng 70-80% so với thời điểm trước dịch. Ban quản lý chợ Bến Thành đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình để kích cầu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho thương nhân để nhanh chóng “hồi sinh”.

Ban quản lý chợ vận động tiểu thương chỉnh trang quầy sạp, làm bảng hiệu đồng bộ, lắp đèn trang trí thẩm mỹ hơn. Bên ngoài chợ cũng được tổ chức sơn lại bốn mặt tiền bằng nguồn vốn xã hội hóa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật tại tháp đồng hồ và mặt tiền cửa nam, gắn bảng thông tin điện tử tại bốn cổng chính…

Việc chỉnh trang chợ hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế đêm của Quận ủy, Ủy ban nhân dân Quận 1. Vừa qua, chợ Bến Thành cũng được chỉnh trang và in ấn các hình ảnh chợ xưa và nay để trang trí chung quanh trông rất bắt mắt, ấn tượng để chào mừng kỷ niệm 110 năm chợ Bến Thành (1914-2024).

Theo Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành Ngô Văn Hà, Ban quản lý chợ đã phối hợp tổ chức “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023-Chợ di sản Bến Thành”. Thông qua đó, các tiểu thương được làm quen cách mở gian hàng điện tử. Chương trình giúp hướng dẫn kỹ năng để các thương nhân làm quen với phương thức kinh doanh mới, đặc biệt là bán hàng trên các sàn thương mại điện tử/nền tảng mạng xã hội, nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Ngoài ra, Ban quản lý chợ cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng, tổ chức thanh toán trực tuyến có cơ hội tiếp xúc, hướng dẫn các thương nhân ứng dụng chuyển đổi số, tạo mã QR thanh toán, nộp thuế điện tử, hay giao dịch không dùng tiền mặt. Ðến nay, tại chợ hiện có hơn 96% số hộ kinh doanh có thể thanh toán không dùng tiền mặt và có 245 hộ kinh doanh gắn máy POS (máy quẹt thẻ) để khách hàng dễ dàng thanh toán. Nỗ lực khắc phục khó khăn đã tạo chuyển biến.

Theo Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành, gần đây khi chợ mở cửa đến 21 giờ hằng đêm, du khách đến chợ đông hơn với số lượng ước chừng 5.000-7.000 lượt khách/ngày. Chợ Bến Thành đã lập đề án trình cơ quan thẩm quyền chứng nhận là di tích di sản của Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐỒNG HÀNH THỰC THI CHÍNH SÁCH THUẾ

Theo số liệu từ Chi cục Thuế Quận 1, trong 5 năm từ 2019-2023, số thu ngân sách nhà nước từ chợ Bến Thành đạt hơn 100 tỷ đồng. Riêng năm 2023 thu hơn 26,8 tỷ đồng và quý I/2024 đã thu 7,08 tỷ đồng. Theo ông Bùi Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận 1 (Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh), có được kết quả đó là nhờ công tác phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, Ban quản lý chợ Bến Thành và sự ủng hộ, đồng tình của các tiểu thương.

Năm 2023, Chi cục Thuế Quận 1 và Ban quản lý chợ đã phối hợp triển khai công tác quản lý thu thuế, niêm yết công khai thông tin người nộp thuế, đôn đốc khai nộp thuế… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giải thích cho tiểu thương hiểu rõ những lợi ích trong việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ. Kết quả hiện nay đã có 59 hộ kinh doanh tại chợ Bến Thành đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Ông Bùi Quang Trung cho biết thêm: “Chi cục Thuế Quận 1 đã phối hợp tuyên truyền hỗ trợ cho các hộ kinh doanh sử dụng eTax Mobile. Thông qua đó, các tiểu thương có thể tra cứu thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác… Ðây là những ứng dụng giúp các tiểu thương tiết kiệm thời gian khi nộp thuế, hạn chế sử dụng tiền mặt khi giao dịch và qua đó, công tác đôn đốc thu thuế cũng thuận lợi hơn”.

Bà Trần Thị Thơm, Ðội trưởng Ðội Quản lý thuế liên phường số 2 (Chi cục Thuế Quận 1) cho rằng: Ðể tiểu thương kinh doanh thuận lợi và tuân thủ chính sách thuế, các cán bộ thuế phải luôn đồng hành, gần gũi với tiểu thương và kịp thời tuyên truyền, giải đáp các vướng mắc. Cùng với tuyên truyền là hỗ trợ tiểu thương khi có việc phải khai báo ngưng nghỉ kinh do-anh, hay hướng dẫn nộp thuế qua ngân hàng, đôn đốc nộp thuế không trễ hạn...

Do điều kiện cơ sở vật chất quầy sạp trong chợ có giới hạn và trình độ nắm bắt công nghệ cũng không cao, nên để vận động áp dụng các hình thức hóa đơn điện tử là một hành trình không hề đơn giản. Song, với sự cố gắng của cán bộ thuế, nhiều tiểu thương đã đồng tình thực hiện và luôn chấp hành tốt nghĩa vụ thuế.