Lắng nghe và nắm bắt nhu cầu của người dân

Không chỉ đóng vai trò là cầu nối, giúp người dân trao gửi nguyện vọng đến chính quyền địa phương, mỗi cán bộ khu phố còn nỗ lực tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến từng hộ dân. Họ biết ai cần gì, gia đình nào khó ở đâu để kịp thời có phương án đồng hành, hỗ trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Ðiền (đầu tiên bên phải) thăm hỏi và lắng nghe nguyện vọng của người dân Khu phố 3.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Ðiền (đầu tiên bên phải) thăm hỏi và lắng nghe nguyện vọng của người dân Khu phố 3.

Cách đây 22 năm, bà Lương Thị Dung (Trưởng khu phố 1, Phường 28, quận Bình Thạnh) bắt đầu làm quen với công việc mà nhiều người hay gọi vui bằng câu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Từ tổ trưởng dân phố rồi lên trưởng khu phố, bà Dung vừa học kinh nghiệm người đi trước, vừa tự mày mò để hoàn thành nhiệm vụ địa phương giao là gắn kết và giúp cho đời sống của người dân ngày càng tốt hơn. “Ban đầu, người dân chưa hiểu mình và ngược lại. Tôi dành thời gian đến từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, từng hộ dân. Tôi đặt quyết tâm phải biết rõ dân cần gì và mình có thể hỗ trợ người ta những gì.

Khi dân cần, mình phải hết lòng, như vậy sẽ giải quyết được mọi vấn đề”, bà Dung chia sẻ. Bên cạnh việc tuyên truyền các nội dung quan trọng từ cấp phường xuống từng gia đình, bà Dung cùng các cá nhân tham gia đội ngũ vận hành khu phố, tổ dân phố lúc bấy giờ còn gõ cửa từng nhà để lắng nghe tâm tư của người dân.

Biết rõ chị em phụ nữ nào đang cần vay vốn khởi nghiệp hay giới thiệu việc làm, nắm cụ thể người dân nào cần học nghề miễn phí hoặc đâu là trẻ cần được chăm sóc đặc biệt, cấp học bổng…, bà rà soát từng trường hợp, lên danh sách các hộ cần hỗ trợ rồi gửi lên cấp cao hơn. Nhờ bám sát đời sống người dân mà trong hơn 20 năm, bà Dung đã chung tay giúp nhiều gia đình thoát nghèo, bắt đầu ổn định kinh tế. Bà Dung nói, vui nhất là được dân tin.

Với bà Dung, trưởng khu phố chẳng phải chức danh gì to tát nhưng đủ mang lại cảm giác ấm lòng bằng những công việc có ích. Còn nhớ giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục kéo dài lệnh giãn cách xã hội, Phường 28, quận Bình Thạnh xuất hiện hàng loạt ca nhiễm, đời sống người dân xáo trộn với quá nhiều biến động. Bà Dung cùng nhiều tình nguyện viên trong tổ dân phố, khu phố xung phong đi chợ giúp dân, phân chia nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh đến tận nơi.

Thành phố và địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ để người dân bảo đảm an toàn, không phải thiếu thốn, chật vật. Lo xong các phần việc được phân công, bà Dung liên hệ với các hộ khá giả trong khu phố, vận động quyên góp hỗ trợ người nghèo vượt qua mùa dịch. Bà hạnh phúc khi ai cũng sẵn sàng chung tay, người góp gạo mì, mắm muối, người gửi thịt cá, trứng sữa… giúp các hộ khó khăn.

Quãng thời gian Phường 9, quận Gò Vấp cùng thành phố oằn mình chống dịch Covid-19 cũng là chuỗi ngày đáng nhớ nhất với ông Nguyễn Thanh Ðiền (Bí thư chi bộ Khu phố 3). Khi ấy, ngày nào cựu chiến binh tuổi ngoài 70 cũng ngược xuôi các con hẻm xem người dân cần giúp gì, có nơi nào thiếu nhu yếu phẩm hay mắm muối, thuốc chữa bệnh. Bà con gặp khó chỉ cần gọi điện, nhắn tin, ông liền tìm cách kết nối hoặc đến giúp trực tiếp, miễn sao được thấy mọi người an toàn qua từng đợt giãn cách. “Lúc ấy mới thấm thía cái gọi là tình làng, nghĩa xóm và sự quan tâm mà thành phố, địa phương dành cho từng người dân. Không chỉ có gạo, các gói an sinh, tiền hỗ trợ, quà từ các bên, người dân còn được chăm lo trong suốt mùa dịch”, ông Ðiền nhớ lại chuyện cũ.

Sau 30 năm làm tổ trưởng dân phố rồi bí thư chi bộ, trưởng khu phố, mới đây, khi Ủy ban nhân dân Phường 9, quận Gò Vấp triển khai thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố mới, ông Ðiền tiếp tục được người dân tin tưởng bầu vào vị trí Bí thư chi bộ Khu phố 3. Suốt thời gian hoạt động tại tổ dân phố rồi khu phố, ông Ðiền nhận ra rằng, muốn dân đồng sức, đồng lòng, việc quan tâm đến nguyện vọng và thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi người là điều vô cùng quan trọng.

Do vậy, bên cạnh các chương trình trao hàng nghìn phần quà dành tặng các gia đình chính sách, hộ khó khăn theo định kỳ, công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người dân ổn định kinh tế luôn được khu phố này quan tâm. Trước đây, khu phố do ông Ðiền phụ trách có sáu hộ nghèo, giờ không còn hộ nghèo nữa. Khu phố hỗ trợ giải quyết số tiền vay vốn kinh doanh, khởi nghiệp cho các hộ khó khăn lên đến sáu tỷ đồng. 12 năm qua, trong 411 hộ vay vốn chưa có hộ nào thuộc vào diện nợ xấu. Người dân có việc làm và xây dựng được cuộc sống tương đối ổn định, ông Ðiền cũng vui lây.

Theo ông Ðỗ An Nhàn, Bí thư Ðảng ủy Phường 9, quận Gò Vấp, sự lắng nghe, gắn kết giữa người dân với các khu phố là cầu nối tích cực, giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Sắp tới, Phường 9 sẽ tiếp tục triển khai các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ các khu phố mới. Bên cạnh sự đồng hành của các cá nhân tham gia hoạt động ở 17 khu phố mới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục mở rộng thêm các kênh tiếp thu ý kiến của người dân sao cho công tác quản lý địa phương ngày càng tốt hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tặng quà kèm thư tri ân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đến 64.309 người tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Việc khen thưởng cá nhân có thời gian tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân dưới 10 năm được giao cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện khen thưởng cá nhân tham gia từ 10 năm đến dưới 30 năm; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khen thưởng cá nhân có thời gian tham gia từ 30 năm trở lên.