Hạn chế chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Năm 2022, ngành nông nghiệp nước ta có nhiều khởi sắc, trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành.
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành.

Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân. Mặc dù vậy, một vấn đề trong phát triển nông nghiệp hiện nay cần sớm được giải quyết đó là việc sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất còn rất lớn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni-lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Trong chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương đã triển khai những giải pháp thiết thực và hiệu quả, giúp giảm tới mức thấp nhất lượng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp như: Mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), giúp tận dụng những ngư dân thành thành viên trong tổ thu gom rác trên biển, giảm lượng chất thải nhựa trôi nổi. Hay mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi tại tỉnh Quảng Ninh giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường. Ở tỉnh Thái Bình có mô hình cánh đồng sạch-thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật…

Nhằm hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, ngày 18/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 đến năm 2025 trong trồng trọt giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Trong chăn nuôi giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…

Phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp được cập nhật đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến quản lý vật liệu và chất thải nhựa; 50% cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.

Để đạt mục tiêu nêu trên, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần ứng dụng vật liệu phân hủy sinh học thay thế dần vật liệu nhựa trong sản xuất; thực hiện các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm chất thải nhựa, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp; đồng thời thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… thực hiện thu gom và xử lý; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các nội dung truyền thông về quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa vào các chương trình khuyến nông, lâm, ngư; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông khó phân hủy đến hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái biển, đại dương, môi trường và sức khỏe con người…