Phong trào hay, mô hình tốt
Đầu giờ chiều, trời nắng như đổ lửa, hơn 10 hội viên thuộc Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 7 đã có mặt tại Trụ sở Ủy ban nhân dân phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) để cùng lãnh đạo cấp trên đi trao 6 triệu đồng tặng cháu Nguyễn Lâm Lâm (13 tuổi, ở Tổ dân phố Yên Phúc, phường Phúc La) đang được bà nội gần 80 tuổi chăm sóc nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6). Đây là số tiền được Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 7 trích ra từ nguồn kinh phí bán rác thải nhựa trong các phong trào, mô hình “Phụ nữ Hà Đông nói không với rác thải nhựa”, “Chống rác thải nhựa, túi ni-lông”, “Thùng rác từ thiện”. “Thùng rác thân thiện”…
Chị Trần Thị Tường Vy, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ dân phố 7 cho biết: Thực hiện kế hoạch về phòng chống rác thải nhựa thông qua các phong trào, mô hình được phát động trên địa bàn, Chi hội đã báo cáo cấp ủy đảng và đề nghị được đưa vào nghị quyết để triển khai. Với phương châm “Miệng nói-Tay làm không ngại bẩn” các hội viên nòng cốt của tổ đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động để thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe. Việc thu gom phế liệu không chỉ giúp sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ xóm, mà còn có thêm kinh phí để phục vụ các hoạt động của Chi hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết: Thông qua các phong trào, mô hình nêu trên đã từng bước thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần của người dân. Đồng thời, huy động được sự tham gia tích cực hơn của các hội viên, người dân trong việc tổng vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hằng tuần, giờ đây người dân đã thực hiện tốt việc thu gom rác thải, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và phân loại rác từ đầu nguồn.
Là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng rác thải nhựa ngày một gia tăng.
Chính vì vậy, từ năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai các dự án, phong trào, mô hình như: “Phân loại rác tại nguồn”; “Chống rác thải nhựa”; “Khu dân cư phân loại rác”; “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”; “Chợ giảm túi ni-lông”; “Đô thị giảm nhựa”; “Đổi rác lấy quà”… nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các cơ quan, đơn vị thực hiện mang lại hiệu quả xã hội tích cực, nhất là tạo nguồn quỹ cho các hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận, xúc tiến chín dự án hợp tác quốc tế về quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải nhựa... với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2024.
Quận Thanh Khê là địa bàn được chính quyền thành phố Đà Nẵng và các tổ chức lựa chọn triển khai thí điểm nhiều dự án bảo vệ môi trường. Quận đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu “Đô thị giảm nhựa” và bền vững về môi trường. Như mô hình “Túi ni-lông thân thiện môi trường” tại 10 chợ, với khối lượng hơn 27,8 tấn; các mô hình “Khu dân cư phân loại rác tại nguồn”, “Tủ thu gom rác tài nguyên”, “Tuyến phố xanh, khu dân cư xanh sạch đẹp”...
Ngoài ra, từ sự tài trợ, hỗ trợ của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, quận đang thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2025, với mục tiêu giảm 50% tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa; 100% số hộ dân, trường học, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện phân loại rác tại nguồn... Đây là cơ sở để quận hướng tới mục tiêu “Đô thị giảm nhựa” đã đề ra.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, với việc triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa và đến cuối năm 2022 tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố đạt 89,46% số hộ gia đình; 88,91% số tổ dân phố; 79,69% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; 100% trường học phân loại rác. Kết quả thu về hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế và bán được tổng số tiền hơn bốn tỷ đồng.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hằng năm trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần (bị vứt bỏ hoặc đốt cháy) ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái trên trái đất. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi ni-lông; mỗi hộ gia đình tại nước ta sử dụng khoảng 1kg túi ni-lông/tháng, nhưng hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, lượng chất thải nhựa túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm từ 8% đến 12% chất thải sinh hoạt nhưng chỉ có từ 11% đến 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra môi trường.
Bà Dương Thị Phương Anh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việc phân loại, thu gom chất thải nhựa và túi ni-lông có thể tái chế được ở nước ta thường mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do; chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp như: hộp xốp các loại, ống hút nhựa, nhất là túi ni-lông chủ yếu thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt.
Riêng đối với chất thải nhựa và túi ni-lông từ hoạt động công nghiệp, hầu hết đều được các cơ sở sản xuất phân loại, thu hồi để quay vòng sản xuất hoặc bán cho các cơ sở khác để tái chế. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt chất thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn đe dọa đến cuộc sống của các loài động, thực vật trên cạn, dưới nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gia tăng.
Để giải quyết ô nhiễm nhựa, túi ni-lông trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và nhân rộng các mô hình đang triển khai hiệu quả tại địa phương; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ khách sạn… không sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần.
Đại sứ môi trường biển Đào Đặng Công Trung (thành phố Đà Nẵng) cho rằng, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có biển cần áp dụng nghiêm các quy định của pháp luật và xử phạt nặng hành vi xả rác không đúng nơi quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã được làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, kiên quyết không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa. Đồng thời, đầu tư xây dựng các nhà máy thu gom và tái chế rác thải, trong đó có rác thải nhựa và đầu tư các tàu thu gom rác trên sông, biển...