Dễ thấy là hiện nay các loại rác thải nhựa xuất hiện ở khá nhiều nơi, từ các chợ truyền thống đến các dòng mương, kênh, rạch ở nội thành lẫn ngoại thành.
Riêng ở chợ truyền thống, lượng rác thải ni-lông thải ra rất lớn, ước tính chiếm khoảng 65% tổng lượng rác thải ni-lông thải ra môi trường mỗi ngày. Đến nay, phần lớn người dân đi chợ và tiểu thương ở các chợ truyền thống cũng như các cửa hàng, quán ăn vẫn sử dụng thường xuyên các loại túi, bao bì bằng ni-lông.
Bên cạnh đó, những loại rác thải nhựa nguy hại khác phát sinh từ những thiết bị, vật dụng điện-điện tử như: ti-vi, điện thoại, máy tính, tủ lạnh, đồ chơi, bóng đèn, pin… cũng không ngừng gia tăng, do tuổi thọ của các mặt hàng điện tử ngày càng ngắn lại. Các loại rác điện tử này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ẩn chứa nhiều loại hóa chất rất độc hại đối với sức khỏe con người như: Chì, thủy ngân, cadmium, kẽm…
Tuy nhiên, cách ứng xử với rác thải nhựa và thực trạng vẫn chưa có chuyển biến tích cực đáng kể. Có thể thấy rằng, công tác phân loại, thu gom, xử lý, tái chế các loại rác thải nhựa vẫn tồn tại không ít bất cập. Phần lớn bao bì ni-lông, các thiết bị và vật dụng điện-điện tử bị hư hỏng gần như đều bị bỏ chung với các loại rác thải sinh hoạt thông thường.
Trong đó, việc quản lý các loại rác điện-điện tử vẫn còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ; nên ở không ít nơi, các loại rác thải này vẫn được “đối xử” như các loại rác thải thông thường khác. Trong lúc đó, thành phố cũng chưa có những bãi rác thật sự chuyên biệt đối với từng loại rác.
Cùng với đó, ý thức trách nhiệm của không ít doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng chưa cao trong việc thu hồi, xử lý và tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về việc này. Do vậy, việc giải quyết rác thải nhựa ở góc độ này chủ yếu vẫn hy vọng vào tinh thần tự giác của doanh nghiệp. Mặt khác, việc các loại vật dụng, bao bì làm từ nhựa được sử dụng nhiều cũng là do giá thành rẻ, dễ dàng mua cũng như yếu tố tiện lợi…
Đến giờ, ai cũng biết rõ sự nguy hiểm của các loại rác thải nhựa cũng như những hậu quả khó lường từ việc vứt bỏ bừa bãi, không xử lý rác thải nhựa một cách khoa học. Để sớm giảm nhanh được việc sử dụng và lượng rác thải nhựa, trước hết các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phổ biến những tác hại của rác thải nhựa và chính sách pháp luật về rác thải nhựa để người dân có thể nâng cao ý thức, từ đó hạn chế sử dụng vật dụng bằng nhựa.
Cùng với đó, có cơ chế, chính sách vận động, khuyến khích người dân giảm sử dụng vật dụng bằng nhựa trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… Chẳng hạn, tăng cường tổ chức, nhân rộng các chương trình đổi rác thải nhựa lấy quà, biến rác thành tiền… Song song đó, cần tăng cường xử lý nghiêm hành vi vứt chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, đồng thời đẩy mạnh công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo đúng quy định cũng như tổ chức phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thành phố cần sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giảm việc sử dụng các đồ dùng nhựa dùng một lần; sớm xem xét có chính sách kích cầu đầu tư, trợ giá đối với những sản phẩm, vật dụng sinh hoạt thân thiện với môi trường.