Nỗ lực quốc tế giảm rác thải nhựa

Lượng đồ nhựa sử dụng một lần trên toàn cầu tiếp tục gia tăng bất chấp các quy định khắt khe. LHQ đã khởi động các vòng đàm phán nhằm xây dựng hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa. Các nhà khoa học nhấn mạnh, một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý mạnh mẽ và toàn diện mới có thể góp phần đẩy lùi khủng hoảng ô nhiễm nhựa.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải nhựa đang tăng lên theo cấp số nhân trên toàn cầu.Ảnh: Petapixel
Rác thải nhựa đang tăng lên theo cấp số nhân trên toàn cầu.Ảnh: Petapixel

Thực trạng báo động

Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), cứ mỗi phút lại có một lượng nhựa tương đương một xe tải chở rác bị đổ xuống đại dương, trong khi khí thải nhà kính liên quan rác thải nhựa dự kiến sẽ đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2050. Theo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), tổng lượng rác thải nhựa trong đại dương đã tăng 50% trong 5 năm qua. Lượng nhựa đổ vào đại dương được dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040.

LHQ ước tính, đến năm 2050, lượng nhựa ở biển có thể nhiều hơn cả cá. Hãng thông tấn nhà nước Tunisia (TAP) dẫn kết quả nghiên cứu của dự án chống rác thải biển ở Địa Trung Hải (COMMON) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho biết, nhựa chiếm 80% rác thải được tìm thấy trong môi trường biển và ven biển của ba quốc gia Địa Trung Hải là Tunisia, Italy và Lebanon.

COMMON nghiên cứu hơn 700 mẫu vật của sáu loài cá có lợi ích thương mại và phát hiện ra một phần ba số cá thể được phân tích đã ăn phải vi nhựa. Rùa biển Caretta-Caretta cũng được sử dụng như một chỉ báo về sức khỏe của lưu vực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tổng số hơn 140 mẫu vật được phân tích, tỷ lệ rùa ăn phải các mảnh vụn nhựa dao động từ 40% đến 70%.

AP dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu biển và các cực Alfred Wegener (Đức) chỉ ra rằng, rác thải nhựa được tìm thấy ở Bắc Cực có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Một phần ba số rác thải nhựa vẫn còn các dấu hiệu hoặc nhãn mác đến từ châu Âu. Khoảng 5% số rác thải nhựa được tìm thấy có nguồn gốc từ những địa điểm cách xa Bắc Cực như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil. Chuyên gia Melanie Bergmann thuộc Viện Alfred Wegener (Đức) nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu cho thấy ngay cả các quốc gia công nghiệp phát triển, có khả năng quản lý rác thải tốt hơn những quốc gia khác, cũng góp phần đáng kể vào sự ô nhiễm của các hệ sinh thái xa xôi như Bắc Cực.

Forbes dẫn kết quả nghiên cứu mang tên Chỉ số Nhà sản xuất chất thải nhựa của Quỹ Minderoo (Australia) cho thấy, bất chấp các quy định khắt khe hơn trên toàn thế giới, các nhà sản xuất đạt được rất ít tiến bộ trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm và thúc đẩy tái chế. Theo thống kê của Minderoo, lượng sản phẩm nhựa dùng một lần được sản xuất trong năm 2021 tăng sáu triệu tấn so lượng sản xuất năm 2019. Trong khi đó, sản phẩm nhựa sử dụng một lần được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2021 đạt khoảng 137 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng thêm 17 triệu tấn vào năm 2027.

Theo báo cáo của UNEP, một số công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, trong đó có PepsiCo, Mars và Nestle, có thể sẽ không đạt được mục tiêu sản xuất loại bao bì đóng gói bằng vật liệu thân thiện hơn với môi trường vào năm 2025. Theo báo cáo, một số công ty, trong đó có Coca-Cola và Pepsi, đang sử dụng nhiều loại nhựa nguyên chất hơn dù đã cam kết giảm thiểu việc sử dụng loại sản phẩm này.

Hàng chục nhãn hàng lớn đã đặt ra những mục tiêu tăng nhựa tái chế và giảm sử dụng bao bì dùng một lần. Cam kết được chú ý nhiều nhất là đến năm 2025 đạt 100% bao bì là loại nhựa có thể tái sử dụng, tái chế, hoặc phân hủy. Tuy nhiên, báo cáo của UNEP kết luận, mục tiêu này của các nhãn hàng gần như chắc chắn sẽ bị bỏ lỡ.

Kêu gọi xây dựng một hiệp ước toàn diện

Tổ chức Hoà bình xanh (Greenpeace) có trụ sở tại Mỹ đánh giá, các mục tiêu mang tính tự nguyện của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới dường như đã thất bại; đồng thời kêu gọi LHQ xây dựng một hiệp ước nhằm buộc các chính phủ và các công ty giảm sử dụng bao bì nhựa dùng một lần. Giám đốc Dự án nhựa toàn cầu của Greenpeace, ông Graham Forbes nhấn mạnh, việc các chính phủ bảo đảm xây dựng một hiệp ước về nhựa toàn cầu sẽ giúp giảm mạnh việc sản xuất và sử dụng nhựa và việc hiện thực hóa mục tiêu này sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và khí hậu.

Gần 200 quốc gia dự Đại hội đồng Môi trường LHQ (UNEA) ở Thủ đô Nairobi của Kenya vào tháng 3/2022 đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ (INC) để đàm phán và đến năm 2024 sẽ hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý. Khung hiệp ước đã được các nước thông qua, trong đó có những nước thải nhựa lớn như Mỹ và Trung Quốc. Các chính sách cụ thể đang được thảo luận chi tiết.

Tại cuộc thảo luận đầu tiên của INC hồi tháng 12/2022 tại Urugay, nhiều nước đã kêu gọi hạn chế sản xuất nhựa để đạt mục tiêu này. Đại diện của Ban Thư ký INC nêu rõ, cuộc thảo luận đặt nền móng cho cách tiếp cận mang tính vòng đời đối với ô nhiễm nhựa, góp phần quan trọng trong việc chấm dứt ba cuộc khủng hoảng mà hành tinh đang đối mặt, gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và rác thải. Cách tiếp cận này xem xét tác động trong tất cả giai đoạn vòng đời của sản phẩm, như khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, vứt bỏ, cũng như cách thức chính phủ, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể đóng góp vào quá trình này.

Một số nước đã thể hiện sự ủng hộ đối với một hiệp ước tập trung vào mảng sản xuất nhựa, vốn vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất nhựa và hóa dầu. EU, Anh, Canada, Gruzia và một số nước đã bày tỏ mong muốn hiệp ước này sẽ bao gồm trách nhiệm ràng buộc trên toàn cầu đối với toàn bộ vòng đời sản phẩm nhựa, bao gồm cả khâu sản xuất, hướng tới việc chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

Mỹ muốn hiệp ước này có cấu trúc tương tự như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, dựa trên các kế hoạch hành động tự nguyện của các quốc gia và không tập trung vào vấn đề sản xuất nhựa. Thụy Sĩ, Na Uy, Uruguay và Australia cũng ủng hộ cách tiếp cận thông qua kế hoạch hành động quốc gia này. Một số tổ chức phi chính phủ lại lo ngại rằng cách tiếp cận tương tự như Thỏa thuận Paris sẽ khó đem lại kết quả.

Trong khi đó, các đại diện của ngành công nghiệp nhựa và hóa dầu đề cao vai trò thiết yếu của nhựa trong cuộc sống; kêu gọi tập trung giải quyết rác thải nhựa hơn là các biện pháp làm suy yếu hoạt động sản xuất nhựa. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội ngành công nghiệp nhựa (Mỹ) Matt Seaholm bày tỏ hy vọng INC sẽ đi đến kết luận giống hiệp hội là tăng cường tái chế nhựa sẽ cung cấp giải pháp tốt nhất để giảm rác thải nhựa.

Báo cáo do hai tổ chức Economist Impact và The Nippon Foundation thực hiện cho thấy, ngay cả khi các biện pháp tiềm năng nhất về giảm tiêu thụ nhựa được triển khai cũng không ngăn chặn được sự gia tăng đáng kể trong sản xuất và sử dụng nhựa. Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngay cả cơ chế phạt tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm và thu thuế đối với hoạt động sản xuất nhựa cũng có nguy cơ không đủ “sức nặng “để giảm thiểu việc sử dụng nhựa.

Kế hoạch mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất hầu như sẽ không kìm hãm được mức tăng sử dụng nhựa trên thế giới. Nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, số lượng nhựa được sử dụng tại các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so mức ghi nhận năm 2019, lên tới 451 triệu tấn/năm. Trong khi đó, năm 1950, chỉ có hai triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia, lệnh cấm toàn cầu đối với các loại nhựa sử dụng một lần không thiết yếu như túi nylon, tăm bông, cho dù áp dụng từ nay đến năm 2050 cũng chỉ làm chậm 14% mức tăng tiêu thụ nhựa. Kể cả khi áp một khoản thuế đáng kể đối với nhựa dẻo nguyên chất-nguyên liệu thô để sản xuất nhựa, cũng chỉ giúp giảm 10% lượng nhựa tiêu thụ so mức dự báo cho đến năm 2050.

Theo chuyên gia Gillian Parker, đồng tác giả của báo cáo trên, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng có thể sẽ phản đối một số hoặc tất cả các biện pháp. Tuy nhiên, với các biện pháp mang tính ràng buộc và thực thi đúng đắn, cũng như những sự khuyến khích về kinh tế, ô nhiễm nhựa là vấn đề có thể giải quyết được.

Giám đốc điều hành của UNEP Inger Andersen cảnh báo, khủng hoảng nhựa gây tác hại không kém cuộc khủng hoảng khí hậu xét về lượng carbon và hóa chất thải ra. Bà Andersen cũng khẳng định: Chấm dứt ô nhiễm nhựa là tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được.