Thế giới đối phó ô nhiễm rác thải nhựa

Từ cuối tháng 5 đến ngày 2/6, đại diện 175 quốc gia trên thế giới họp tại thủ đô Paris của Pháp, tham dự Phiên đàm phán thứ hai của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên làm việc trong khuôn khổ vòng đàm phán ở Paris về rác thải nhựa. Ảnh: REUTERS
Một phiên làm việc trong khuôn khổ vòng đàm phán ở Paris về rác thải nhựa. Ảnh: REUTERS

Vấn đề mang tính toàn cầu

Đại diện 175 quốc gia nhóm họp tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) với mục đích đạt được bước tiến hướng tới một thỏa thuận lịch sử về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa năm 2024. Vòng đàm phán ở Paris, kéo dài đến ngày 2/6, là cuộc họp thứ hai trong số năm phiên đàm phán về vấn đề rác thải nhựa. Theo kế hoạch, một cuộc họp nữa sẽ được tổ chức trong năm nay và hai cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra năm 2024 trước khi một hiệp ước về rác thải nhựa được thúc đẩy thông qua giữa năm 2025.

Tháng 2/2022, các quốc gia đã nhất trí trên nguyên tắc sự cần thiết phải xây dựng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý của LHQ để chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn thế giới. Các hành động chính sách sẽ được tranh luận trong các cuộc đàm phán bao gồm lệnh cấm toàn cầu đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần và giới hạn sản xuất sản phẩm nhựa mới.

Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh, thói quen vứt đồ nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của Trái đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây tổn hại sức khỏe con người. Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải khí CO2 mà còn đe dọa tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của các loài sinh vật biển.

Nguy cơ ngày càng tăng cao do sản lượng nhựa hằng năm tăng gấp hai lần trong 20 năm qua lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp ba lần trong vòng bốn thập niên. Ước tính khoảng 66% sản phẩm nhựa sản xuất hằng năm bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần, trong khi chưa đến 10% được tái chế. Trong tự nhiên, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong băng gần Bắc Cực và trong cơ thể cá sống ở những nơi sâu nhất của đại dương. Ở người, các hạt nhựa siêu nhỏ được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai.

Nỗ lực của nước chủ nhà Pháp

Trong thông điệp bằng video gửi đến phiên họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia tham gia đàm phán chấm dứt mô hình sản xuất không bền vững, với việc các nước giàu xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước đang phát triển, vốn là những quốc gia trang bị hệ thống xử lý chất thải kém hơn nhiều. Ông Macron nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa là một quả bom hẹn giờ và là một thảm họa đối với môi trường, lưu ý các vật liệu dựa trên nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ ảnh hưởng mục tiêu kiềm chế sự ấm lên toàn cầu cũng như đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Theo Tổng thống Pháp, các cuộc đàm phán nên ưu tiên giảm sản xuất nhựa và sớm cấm các sản phẩm gây ô nhiễm nhất như nhựa sử dụng một lần. Ông cho rằng: “Nếu chúng ta không làm gì, lượng rác thải nhựa sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060. Mục tiêu trước hết là giảm sản xuất nhựa mới và cấm càng sớm càng tốt những sản phẩm gây ô nhiễm nhất và nguy hiểm nhất cho sức khỏe”. Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các nước sản xuất 100% nhựa có thể tái chế, so với chỉ 15% hiện nay, đồng thời bày tỏ ủng hộ khoảng 50 quốc gia cam kết chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

Theo số liệu của UNEP, thế giới sản xuất khoảng 460 triệu tấn nhựa mỗi năm, con số này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060. UNEP lưu ý, trên toàn cầu chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế, trong khi có tới 22% số vật liệu nhựa bị quản lý sai cách và trở thành rác thải. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, quy trình sản xuất nhựa cũng khiến Trái đất nóng lên khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu năm 2019.