Hai chuyến bay tại Nội Bài phải chuyển hướng khai thác do sương mù dày đặc

NDO - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (NIA) cho biết, từ 19 giờ 35 phút ngày 11/4 đến 0 giờ 4 phút ngày 12/4, do ảnh hưởng thời tiết mưa, sương mù và tầm nhìn hạn chế, NIA đã triển khai phương thức khai thác trong điều kiện tầm nhìn hạn chế (LVP).
0:00 / 0:00
0:00
Sương mù dày đặc khiến hai chuyến bay tại Nội Bài phải chuyển hướng khai thác.
Sương mù dày đặc khiến hai chuyến bay tại Nội Bài phải chuyển hướng khai thác.

Cảng ghi nhận hoạt động khai thác bảo đảm tốt, các chuyến bay xuất phát từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cất cánh theo kế hoạch.

Trong thời gian áp dụng LVP, có thời điểm thời tiết tại NIA dưới điều kiện khai thác dẫn đến có 2 chuyến bay đến sân bay Nội Bài phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay khác (VJ150 chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Cát Bi-Hải Phòng, QH146 chặng Đà Nẵng-Hà Nội phải chuyển hướng quay lại hạ cánh tại Đà Nẵng).

Tỷ lệ chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh do điều kiện thời tiết so trước đây đã giảm đi rất nhiều do Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã được quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa 2 đường cất-hạ cánh và đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ, phục vụ bay an toàn.

Hai chuyến bay tại Nội Bài phải chuyển hướng khai thác do sương mù dày đặc ảnh 1

Theo quy định tại Điều 61, Thông tư 29/2021/TT-BGTVT, khi khai thác trong điều kiện tầm nhìn hạn chế, người, phương tiện không được di chuyển vào khu vực hạn chế, khu vực nhạy cảm của thiết bị ILS khi có hoạt động bay, chỉ được chờ tại những vị trí dừng chờ theo quy định.

Người khai thác cảng hàng không, sân bay phối hợp Đài kiểm soát tại sân bay kiểm soát không cho người, phương tiện hoạt động trong các khu vực hạn chế, khu vực nhạy cảm của thiết bị ILS đường cất-hạ cánh trong suốt thời gian áp dụng phương thức khai thác trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 3 ngày từ 11 đến 13/4, khu vực Bắc Bộ xuất hiện những cơn mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, độ ẩm trong không khí thường xuyên ở mức hơn 85%, gây ra hiện tượng nồm ẩm khó chịu.

Mưa phùn cộng với sương mù khiến tầm nhìn hạn chế, làm giảm khả năng quan sát, định hướng, định vị của phi công. Điều này làm giảm khả năng điều khiển máy bay cất hạ cánh chính xác và dễ gây va chạm trên không, va chạm với chướng ngại vật tĩnh không và va chạm với địa hình.

Trong ngành hàng không, hiện tượng gây giảm tầm nhìn được xem là nguy hiểm, có khả năng uy hiếp an toàn bay. Để bảo đảm an toàn hàng không, tổ lái chuyến bay phải tuân thủ chặt chẽ quy trình khai thác, nhanh chóng chuyển hướng máy bay hạ cánh tại sân bay dự bị khi không thể hạ cánh tại sân bay chính thức theo kế hoạch.